Liệu Pháp và người dân nước này có đứng đầu danh sách các mục tiêu bị khủng bố nhắm tới?


Các chiến binh của Ansar Dine, nhóm kiểm soát phần lớn miền bắc Mali.

Các nhà lãnh đạo Pháp đã báo động cho người dân của mình về mối nguy khủng bố gia tăng sau thông báo ngày 11/1 của Tổng thống Francois Hollande về sự can thiệp quân sự của Pháp vào Mali nhằm chống lại các lực lượng al-Qaeda đang kiểm soát nửa bắc đất nước này.

Với các biện pháp an ninh tăng cường, hàng trăm binh sĩ có vũ trang đã được triển khai tuần tra tại các ga tàu lửa, tàu điện ngầm, sân bay và điểm du lịch trên khắp nước Pháp. Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến cáo công dân của mình về nguy cơ bị tấn công cả ở trong và ngoài nước.

"Chúng ta đang đối mặt với một kẻ thù bên ngoài và một kẻ thù bên trong", Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls nhấn mạnh ngày 15/1.

Hôm sau đó, các nhóm liên kết với al-Qaeda ở châu Phi đã chứng minh cảnh báo đó là có căn cứ. Thông tin báo chí cho thấy các phần tử Hồi giáo cực đoan đã bắt cóc nhiều nhân viên người Pháp và người châu Âu, và cả một số người Mỹ (Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận) từ một cơ sở dầu lửa ở đông Algeria.

Nhóm phiến quân AQIM và các đồng minh của tổ chức này từ lâu đã sử dụng chiêu bắt cóc con tin như một biện pháp khủng bố và đòi tiền chuộc. Cùng lúc, phiến quân al-Shabab ở Somalia tuyên bố sẽ hành hình một gián điệp Pháp đã bắt giữ ba năm rưỡi qua để đáp trả sứ mệnh biệt kích giải cứu ông này ngày 12/1, một kế hoạch bất thành khiến 2 binh sĩ Pháp thiệt mạng. Những vụ việc đó diễn ra sau những cảnh báo từ một thủ lĩnh thánh chiến ở Mali rằng bằng cách tấn công vào các lực lượng Hồi giáo ở châu Phi, "Francois Hollande đã mở cánh cửa xuống địa ngục cho tất cả người Pháp".

Tất cả diễn biến đó dường như cho thấy hành động chống quân Hồi giáo của Pháp ở Mali và ở đâu đó tại châu Phi đã kkiến các nhóm thánh chiến tìm kiếm sự trả thù - với Pháp nổi lên rõ nhất trong tầm ngắm của chúng.

"Người Mỹ đã có được sự tạm nghỉ khỏi vị trí đứng đầu trong danh sách của quân khủng bố Hồi giáo và giờ đây Pháp đã thế chỗ đó", một quan chức an ninh cấp cao của Pháp bình luận nửa đùa nửa thật. "Sự can thiệp của chúng tôi vào Mali sẽ khiến Pháp trở thành mục tiêu đầu tiên của sự tức giận và báo thù trong một thời gian. Lúc đầu, nó sẽ khiến cho các lợi ích, du khách và các mục tiêu mềm khác của Pháp ở nước ngoài đặc biệt dễ bị khủng bố trả thù, trước khi có các nỗ lực nhằm tổ chức và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pháp".


Binh lính Pháp được triển khai tới thủ đô Bamako của Mali.

Vụ bắt cóc hồi tuần trước dường như cho thấy sự can thiệp được Liên Hợp Quốc ủng hộ của Pháp tại Mali có nghĩa là khủng bố cũng là vấn đề cho các nước khác. Những thông tin liên quan nói nhóm al-Qaeda nhận trách nhiệm bắt cóc khoảng 9 người ngoại quốc ở Algeria - trong đó có người Na Uy, Anh, Ai Len, Pháp và Nhật Bản. Ngay sau đó, thủ lĩnh Mokhatar Belmokhatar tuyên bố nhóm đã giữ 7 tù nhân Mỹ trong cuộc tấn công mà vốn được cho là khiến 2 nhân viên an ninh Pháp làm việc cho cơ sở dầu lửa của BP thiệt mạng.

Mặc dù các nhà chức trách Pháp nói họ không thể cung cấp thông tin về vụ bắt cóc, Tổng thống Hollande đã dùng một bài phát biểu với báo giới ở Điện Elysee để nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn hoạt động bạo lực thánh chiến trong khu vực là lý do Pháp tham gia cùng quân đội Mali chiến đấu chống phiến quân Hồi giáo tại đây.

"Quyết định tôi đưa ra hôm thứ Sáu (11/1) là cần thiết bởi vì nếu không thực hiện bây giờ thì sẽ là quá muộn nếu thực hiện về sau. Mali đã bị khủng bố chế ngự, và người dân nước này bị đặt dưới bàn tay của chúng".

Nhiều chuyên gia cũng nhất trí. Marc Trévidic - một quan chức tòa án Pháp chuyên điều tra về khủng bố Hồi giáo nhận xét rằng bắc Mali cùng vùng Sahel rộng lớn hơn có thể trở thành một thành trì tuyển mộ và đào tạo khủng bố nhộn nhịp đến nỗi mà không thể bỏ qua lâu hơn nữa mối đe dọa của nó đối với an ninh của toàn châu Phi và châu Âu. Mối đe dọa ấy phải bị xóa bỏ".

Thanh Hảo (Theo TIME)