Hải quân Mỹ đang điều một trong những 'chiến thuyền' tối tân nhất của mình ra nước ngoài cho dù Lầu Năm Góc biết rằng các khẩu súng vẫn chưa vận hành tốt, và thậm chí còn không chắc là 'siêu chiến thuyền' này có thể trụ nổi trong chiến đấu hay không.

USS Freedom
Tàu USS Fredom là một trong những tàu tối tân nhất trong nhóm các Tàu Chiến đấu Ven biển của Mỹ. Chiếc tàu này đã được đặt làm từ năm 2008, được thiết kế để chiến đấu với các hạm đội đông đúc của đối phương và là một trong những tàu nhanh nhất của Hải quân Mỹ.

USS Freedom ngốn của chính phủ Mỹ 670,4 triệu USD, nhưng con tàu đắt đỏ lại không thể vượt qua nổi rất nhiều lần sát hạch.

Hồi tháng 5/2012, báo cáo thanh tra của Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Freedom đã trượt 14 trong số 28 kỳ sát hạch, bao gồm một đánh giá về hệ thống phóng hỏa, liên lạc, hệ thống điện và động cơ đẩy. Nhưng ngay cả tám tháng sau đó, con tàu vẫn tiếp tục có trục trặc.

Giám đốc kiểm nghiệm và đánh giá vận hành của Bộ Quốc phòng Mỹ J. Michael Gilmore bày tỏ lo ngại của ông trong một nghiên cứu thường niên mà Quốc hội Mỹ công bố hôm thứ Ba vừa qua.

Gilmore tin rằng Tàu Chiến đấu Ven biển (LCS) này vẫn 'chưa thể kỳ vọng là sẽ sống sót' trong chiến đấu. Ông bày tỏ lo ngại lần đầu tiên vào năm 2011 khi dự báo rằng con tàu không thể trụ nổi trong 'một môi trường chiến đấu kịch liệt'.

Thêm vào đó, Gilmore nói thêm là các súng lắp trên tàu gồm loại 30mm và 57mm 'cho thấy các vấn đề về độ tin cậy' và có thể hoạt động khác thường khi tàu đi với tốc độ cao khiến cho việc phòng thủ gặp trục trặc.

Phía đuôi USS Freedom  là một sân bay cho các máy bay lên thẳng
Bất chấp việc USS Freedom không vượt qua các kỳ sát hạch và kể cả các lo ngại nêu trên, Hải quân Mỹ vẫn điều tàu chiến đấu này ra nước ngoài trong 8 tháng tới. Con tàu này hiện tại đang trên đường tới Singapore để đồn trú trong một nỗ lực của chính quyền Obama nhằm chuyển trọng tâm sang châu Á.

Đội thủy thủ của tàu cũng sẽ có thời gian để làm quen, và hiểu thêm cơ chế hoạt động của tàu, cũng như phát hiện ra các trục trặc có thể xảy ra trong quá trình vận hành.

"Chúng tôi sẽ học rất nhiều từ đợt triển khai này" - Phó Đô đốc Tom Copeman cho biết. "Liệu chúng tôi có các chiến lược tốt nhất để duy trì cho tàu hay không? Liệu chiến lược của chúng tôi đối với việc sẽ cho đội thủy thủ chuyển đổi có đúng hay không? Các công tác hậu cần, duy trì, dự trữ: liệu chúng tôi làm đã đúng hay chưa?".

Nhưng trong trường hợp bị tấn công, USS Freedom phải đối mặt với nguy cơ có thật là nó khó có thể tự vệ.

Ngay cả khi LCS được xác nhận là có lỗ hổng trong thiết kế, Mỹ vẫn muốn mua thêm nhiều tàu chiến này. Hải quân Mỹ muốn mua thêm 55 chiếc tàu chiến mới, bao gồm một thiết kế khác của tàu USS Independence có giá 808,8 triệu USD/chiếc.

Người phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết Lầu Năm Góc biết rõ các trục trặc của con tàu và vẫn đang trong quá trình xử lý các vấn đề này. Thậm chí, họ biết rõ việc gửi USS Freedom tới một vùng biển nước ngoài để học hỏi là một lựa chọn đầy rủi ro của Hải quân Mỹ.

  • Lê Thu (Theo RT)