Khi Peggielene Bartels lên giường ngủ vào một buổi tối mùa hè năm 2008, bà chỉ
là một nữ trợ lý bình thường sống tại một căn hộ chật hẹp ngay bên ngoài
Washington D.C. Nhưng vài giờ sau đó, bà bỗng trở thành Vua Bà.
TIN BÀI KHÁC:
Động cơ kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên?
John Kerry có đi vào vết xe đổ của tiền bối?
Peggielene Bartels bất ngờ trở thành Vua của xứ Otuam, Ghana. |
Peggielene Bartels, khi đó 55 tuổi, tỉnh dậy vì tiếng điện thoại không ngừng reo đêm đó. Đầu bên kia là người họ hàng của bà ở Otuam, một làng chài nhỏ bên bờ biển Ghana. Xúc động và trịnh trọng, ông này chúc mừng Bartels trở thành nhà vua mới của Otuam.
"Tôi nói: nghe này, giờ mới 4h sáng bên Mỹ. Tôi rất mệt, đừng có làm phiền", Bartels nhớ lại. "Tôi nghĩ ông ta đang trêu đùa tôi".
Nhưng đó không phải là trò đùa. Vị vua trước của Otuam - chú của Bartels - vừa qua đời. Vẫn còn nhớ Bartels từ thời bà về thăm quê cùng với mẹ nên những người già trong làng quyết định tôn bà lên làm lãnh đạo mới của họ.
Sau thời gian choáng váng ban đầu, Bartels quyết định chấp nhận vương quyền. Trong vài ngày, bà từ một Peggielene Bartels sống đơn giản, người đã làm việc gần 30 năm tại Đại sứ quán Ghana ở Mỹ, trở thành Vua Peggy - vị vua nữ đầu tiên của Otuam, trị vì gần 7.000 thần dân.
"Việc tôi sẽ trở thành Vua của Otuam là điều tôi chưa từng nghĩ tới", người phụ nữ đã sống ở Mỹ từ độ tuổi 20, kể lại. "Tôi nhận ra rằng trên trái đất này, chúng ta ai cũng có thể có một cuộc gọi đến. Chúng ta phải sẵn sàng nghe máy. Tôi sẽ vô cùng hối tiếc nếu như tôi không nhận cuộc gọi đó".
Mặc dù vẫn làm việc tại Đại sứ quán Ghana, Bartels dùng tất cả các kỳ nghỉ của mình trong năm để có thể sống ở Otuam một tháng.
Vua là ngôi vị truyền thống của lãnh đạo Otuam và Bartels cho biết bà rất vui khi được gọi là Vua thay vì Nữ hoàng, bởi vì điều đó có nghĩa là bà có thể đạt được nhiều hơn nữa. "Thông thường vua là người có quyền lực tuyệt đối để làm mọi thứ, trong khi Nữ hoàng chủ yếu chuyên tâm vào con cái và báo cáo lại cho nhà vua. Vì vậy tôi thực sự thích điều này".
Peggielene Bartels làm thư ký tại Đại sứ quán Ghana ở Mỹ 30 năm qua. |
Vua Peggy chào đời ở Takoradi, miền nam Ghana, năm 1953. Bà học tiếng Anh trước khi chuyển tới Mỹ, nơi bà được công nhận tư cách công dân vào năm 1997. Tuy nhiên, sau khi thừa kế ngai vàng, Bartel sống hai cuộc đời khác biệt ở hai lục địa khác nhau.
Tại Washington, công việc thư ký của bà bao gồm đánh máy thư từ, trả lời điện thoại và lên lịch các cuộc hẹn. Tại căn hộ nhỏ của mình, Bartels sống cách xa thế giới xa xỉ của một con người thuộc dòng dõi Hoàng gia.
"Khi ở Mỹ, tôi tự làm mọi việc", bà giải thích. "Tôi tự giặt quần áo, tự nấu nướng, tự lái xe và tự dọn giường khi thức dậy mỗi sáng".
Nhưng ở Ghana, bà là một vị vua đội vương miện và cầm vương trượng, sống trong một cung điện lộng lẫy. Các cư dân Otuam thường gọi bà là "Nana", một danh hiệu cao quý dành cho Hoàng gia và cúi chào khi họ nhìn thấy bà.
"Khi tôi trở về, họ coi tôi là vua của họ và họ muốn cung phụng tôi. Họ phải chuẩn bị đồ ăn cho tôi, đưa tôi đi đây đó và bảo vệ tôi. Tôi muốn họ tự do và thoải mái để chúng tôi có thể thực sự giải quyết các vấn đề".
Theo Bartels, ngoài nữ trang và các đồ đắt tiền nghiễm nhiên được hưởng, một vị vua ở một nơi nghèo đói như Otuam phải giải quyết được các nhu cầu cấp bách của cộng đồng và cải thiện đời sống cho thần dân. "Là vua của một ngôi làng châu Phi hoặc một nơi tương tự như thế không giống các nữ hoàng của châu Âu, nơi mọi thứ dành cho họ được bày sẵn trên mâm bạc. Tôi thực sự phải làm việc vất vả để giúp người dân của mình. Tôi phải cống hiến bản thân cho họ để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn".
Trong vài năm qua, Bartels giúp các gia đình nghèo trả tiền học phí cho con cái họ và mua máy vi tính cho trường học. Với sự giúp đỡ của nhiều người Mỹ khác, bà đã trang bị cho Otuam chiếc xe cứu thương đầu tiên và một hệ thống nước sạch. Ưu tiên tiếp theo của Vua Bà là đưa các nhà vệ sinh tân tiến tới Otuam.
Và thậm chí khi không có mặt ở Ghana, Bartels vẫn tiếp tục trách nhiệm của một vị vua: bà dậy lúc 1h sáng để gọi về Otuam và nghe báo cáo về những gì diễn ra trong cộng đồng. "Tôi nói với quan nhiếp chính, tôi trò chuyện với người già", Bartels kể. "Nếu có điều gì tôi muốn biết, họ sẽ báo cáo với tôi. Nếu có điều gì tôi muốn họ làm, tôi sẽ yêu cầu họ".
Năm ngoái, câu chuyện "lọ lem" đời thực của Vua Peggy đã được ghi lại trong một cuốn sách do chính bà và nhà văn Eleanor Herman thực hiện. Và giờ đây, Bartels cho hay, hành trình thú vị của bà từ một thư ký tới một vị vua sắp được kể lại trên màn ảnh sau khi diễn viên Will Smitt mua bản quyền cuốn sách.
Thanh Hảo (Theo CNN)