Tokyo và Osaka của Nhật Bản tiếp tục là những thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo báo cáo mới nhất của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tạp chí The Economist (Anh).
Thủ đô Tokyo, Nhật Bản tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. (Ảnh minh họa: wikipedia) |
Thủ đô Tokyo lại một lần nữa đứng ở vị trí đầu bảng, lần thứ 14 trong vòng 20 năm, sau khi bị thành phố Zurich (Thụy Sĩ) "soán ngôi" vào năm ngoái.
Singapore đứng ở vị trị thứ 6 trong khi Hồng Kông (Trung Quốc) xếp thứ 14 trong danh sách toàn cầu và đứng ở vị trí thứ 4 trong số các thành phố đắt đỏ nhất châu Á.
Báo cáo về Chi phí sinh hoạt Toàn cầu của EIU cho thấy các thành phố châu Á và châu Úc đã di chuyển rất nhanh chóng lên bảng xếp hạng với 11 thành phố trong top 20 thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Theo ông John Copestale, biên tập viên của báo cáo, giá sinh hoạt tại các thành phố ở châu Á tăng do "mức lương được cải thiện và nền kinh tế lạc quan."
Vì sự tăng trưởng kinh tế và đồng đô-la Australia mạnh lên nên Sydney và Melbourne cũng di chuyển lên 4 bậc trong bảng xếp hạng.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở châu Âu đã giảm tương đối một phần là do các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Zurich tụt 6 bậc từ vị trí đầu bảng vào năm ngoái xuống vị trí thứ bảy do sự sụt giảm giá trị của đồng franc.
Các kết quả của cuộc khảo sát 140 thành phố được công bố 2 lần trong một năm dựa trên việc so sánh đối với 160 sản phẩm và dịch vụ tại 400 điểm giá khác nhau, bao gồm các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, các hóa đơn điện nước, chi phí đi lại...
Tất cả các thành phố trong báo cáo được so sánh với New York như một điểm chuẩn với 100 điểm. Châu Á cũng là lục địa có nhiều thành phố nằm trong top 10 thành phố rẻ nhất thế giới.
Mumbai (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan) là hai thành phố cho chi phí sinh hoạt thấp nhất thế giới trong khi thủ đô New Delhi của Ấn Độ xếp vị trí thứ 3.
Sầm Hoa (Theo My Paper)