Lee Sang-Kuk đi giao thịt cả ngày và lái xe thuê cho những người say rượu vào ban đêm nhưng thậm chí với từng đó việc anh và hàng triệu người dân Hàn Quốc khác vẫn đang vẫn lộn để chống lại làn sóng nợ hộ gia đình.

TIN BÀI KHÁC:



              Lee Sang-Kuk làm tới hai công việc mà vẫn không kiếm đủ tiền trả nợ. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tình trạng của Lee là một hiện tượng ngày càng phổ biến tại Hàn Quốc, nơi tổng số tiền các hộ gia đình vay mượn đã lên tới 937,5 nghìn tỷ won (882,7 tỷ USD) vào tháng 9 năm ngoái, tương đương với hơn 70% GDP của cả nước năm 2011.

Nghỉ việc tại một công ty truyền thông vào năm 2000, Lee đã mở một nhà hàng với một khoản nợ ngân hàng bằng cách thế chấp nhà. Chỉ trong vòng hai năm, công việc làm ăn thua lỗ buộc anh phải nộp đơn xin phá sản cá nhân.

Lee đã bán nhà để trả món nợ ngân hàng nhưng sau đó lại vay nặng lãi ở bên ngoài để có tiền cho các con ăn học.

"Cuộc sống của chúng tôi khốn khó từ đó," người đàn ông 59 tuổi, người thú nhận từng tìm tới cái chết, cho biết.

"Mọi thứ tôi kiếm được đều mang đi trả nợ và vợ tôi phải đi giúp việc để đáp ứng được các chi phí sinh hoạt," Lee nói.

Công việc ban đêm của Lee là tại một công ty hỗ trợ cho các lái xe trong các trường hợp khẩn cấp, chủ yếu là các doanh nhân uống quá chén và phải nhờ một ai đó chở mình về nhà.

Làn sóng hộ gia đình tại Hàn Quốc xuất phát từ cải cách tài chính được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khiến các ngân hàng của nước này chuyển sang cho người dân vay thế chấp.

Hình thức cho vay này đã được thu hút được nhiều người dân bởi lãi suất thấp và niềm tin rằng bất động sản là một đầu tư được bảo lãnh.

"Trong khi các hộ gia đình Mỹ giảm bớt nợ, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, nhu cầu cho vay thế chấp ở đây lại tăng nhờ giá bất động sản cao," Chuyên gia phân tích Lee Jun-Hyup thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai nói.

"Không có đe dọa nghiêm trọng tới hệ thống ngân hàng nhưng rõ ràng nó đã làm tổn thương nhu cầu của người tiêu dùng trong nước," ông Lee nói.

Từng là một người khổng lồ kinh tế tăng trưởng gần 7,0% bình quân mỗi năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, Hàn Quốc đã, trong những năm gần đây, bước vào một giai đoạn tăng trưởng có chừng mực hơn.

Thị trường bất động sản đã giảm mạnh và một nền kinh tế chậm tăng trưởng đã dẫn đến tình trạng mất việc làm và khiến những gia đình chỉ có một người có thu nhập phải vật lộn để tồn tại.

"Nợ hộ gia đình giống như một khối u trong cơ thể," ông Lee cho biết. "Nếu không kiềm chế, nó sẽ trở thành một trở ngại đối với nền kinh tế bởi việc trả nợ sẽ trở nên tồi tệ một cách nhanh chóng trong thời điểm căng thẳng kinh tế," ông Lee nói. Việc thiếu hụt thu nhập sau thuế giữa các hộ gia đình mắc nợ cao đang cản trở nỗ lực của chính phủ để thúc đẩy nhu cầu trong nước và dần dần đưa nền kinh tế quốc dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Giống như Lee Sang-Kuk, nhiều người trung niên Hàn Quốc bị các công ty sa thải đã phải thế chấp tài sản để vay vốn và bắt đầu một công việc kinh doanh mới.

Tuy nhiên các ngân hàng thương mại luôn ưu tiên cho những khách hàng có thu nhập cao, đẩy những người vay tiền nghèo hơn tới những người cho vay như các quỹ tiết kiệm và các hãng thẻ tín dụng tính lãi suất cao.

Lee là một trong số một nhóm ước tính lên tới 3 triệu người, những người được các ngân hàng liệt kê vào danh sách đen hoặc không thể vay thêm bởi xếp hạng tín dụng thấp. Như một phần trong cam kết bầu cử để mở rộng chi tiêu phúc lợi xã hội, Tổng thống đắc cử Park Geun-Hye đã đề xuất 18 nghìn tỷ won (16,9 tỷ USD) công quỹ để hỗ trợ người có thu nhập thấp như Lee giảm nợ.

Sầm Hoa (Theo Asia1)