Hãng thông tấn nhà nước CHDCND Triều Tiên vừa tuyên bố nước này đã thử hạt nhân lần thứ 3 thành công tại một địa điểm dưới lòng đất ở phía bắc. Ngay lập tức, Liên Hợp Quốc cùng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc lên án mạnh mẽ.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
Triều Tiên đã thử hạt nhân lần 3?

  Đài Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên

Triều Tiên thông báo vụ thử hạt nhân lần này là mạnh nhất từ trước đến nay và là một bước đột phá. Nước này cũng khẳng định đây là hành động phản kháng đối với các thế lực trên thế giới.

Hãng tin KCNA đưa tin, Triều Tiên đã sử dụng một thiết bị hạt nhân "thu nhỏ" và nhẹ hơn, một dấu hiệu cho thấy họ lại sử dụng plutonium, loại vật liệu phù hợp hơn cho một đầu đạn tên lửa. Triều Tiên được cho là có đủ plutonium để sản xuất khoảng 4-8 đầu đạn.

Triều Tiên cũng sử dụng plutonium trong hai vụ thử hạt nhân trước và trước vụ thử hôm nay, có những đồn đoán rằng quốc gia này có thể dùng uranium làm giàu ở cấp độ cao hơn.

"Tương đối nhỏ"

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính quả bom được thử có sức mạnh 6-7 kiloton, vẫn tương đối nhỏ. Quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống Hiroshima là khoảng 20 kiloton. Cơ quan Tình báo Nga cho rằng sức mạnh của vụ thử vào khoảng 5 kiloton, theo hãng tin RIA Novosti.

Trước đó, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ thông báo một cơn địa chấn mạnh 5,1 độ richter đã xảy ra ở Triều Tiên sáng nay và sau đó, Bình Nhưỡng xác nhận đã tiến hành thử hạt nhân. Bình Nhưỡng khẳng định hành động này là một phần nỗ lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, viện dẫn sự phản đối của Mỹ đối với vụ phóng vệ tinh mới đây của nước này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo thực hiện 2 vụ phóng tên lửa tầm xa và một vụ thử hạt nhân trong năm đầu tiên nắm quyền lực, thúc đẩy các chính sách đưa đất nước nghèo đói của ông này tiến gần hơn tới việc trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Washington tin rằng, mục tiêu cuối cùng của Triều Tiên là thiết kế một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công Mỹ.

Mặc dù đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân và một loạt vụ thử tên lửa tầm xa, Triều Tiên được cho là là vẫn chưa thể tiến gần tới sản xuất một tên lửa có khả năng chạm đến đất Mỹ.  

Thế giới lên án

Bộ Ngoại giao ở Moscow cho biết, các quan chức ngoại giao cấp cao của Nga, Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận qua điện thoại về vụ thử hạt nhân lần 3 của Triều Tiên. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng vụ thử là "một hành động khiêu khích cao độ", làm tổn hại đến sự ổn định của khu vực. Ông gọi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa đối với nước Mỹ và an ninh toàn thế giới, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ mình và các đồng minh.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố vụ thử là "mối đe dọa nghiêm trọng" không thể dung thứ.

Ngay sau sự kiện này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn. Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh vụ thử là một "sự vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng" các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Cấm vận và ngoại giao thất bại?

Nhật Bản ngay lập tức kêu gọi áp dụng thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố không loại trừ các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mà nước láng giềng phía bắc có thể tiến hành thêm. 

"Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của đất nước chúng ta, và chúng ta phải quan tâm cực độ", hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói với các phóng viên. 

Hãng tin Yonhap đưa tin, Bình Nhưỡng đã thông báo cho Trung Quốc và Mỹ về các kế hoạch thử nghiệm vào ngày 11/2 song thông tin này có thể không được xác nhận.

Khi Kim Jong-un lên lãnh đạo Triều Tiên tiếp sau cái chết của cha ông này hồi tháng 12/2011, đã có nhiều hy vọng rằng nhà lãnh đạo trẻ sẽ chủ trương cải cách và kết thúc các chính sách "ưu tiên quân sự" của Kim Jong-il.  

Tuy nhiên, Triều Tiên dường như vẫn mắc kẹt trong vòng vây cấm vận vì tiếp tục có những hành động mà Mỹ và các đồng minh cho là khiêu khích mạnh bạo hơn. 

"Triều Tiên càng bắn nhiều tên lửa, phóng nhiều vệ tinh và tiến hành thử hạt nhân, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ càng áp đặt thêm các lệnh cấm vận mới và gay gắt hơn", trích lời Shen Dingli, một giáo sư và chuyên gia về an ninh khu vực tại trường Đại học Fudan ở Thượng Hải. "Đó là một vòng tròn luẩn quẩn không bao giờ kết thúc".  

Tuy nhiên, các lựa chọn cho cộng đồng quốc tế dường như không có nhiều, vì Triều Tiên vốn đã là một trong những quốc gia chịu trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới.

Thanh Hảo (Theo Reuters, BBC, RT)