Việc Mỹ triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật tới bán đảo Triều Tiên có thể sẽ là một giải pháp kiểu Chiến tranh Lạnh cho vấn đề rắc rối của thế kỷ 21.

TIN BÀI KHÁC

 
Tàu sân bay Mỹ trang bị vũ khí hạt nhân USS Eishenhower
Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 12/2, một số quan chức bảo thủ của Hàn Quốc quay trở lại với ý tưởng kêu gọi Mỹ đưa các vũ khí hạt nhân chiến thuật tới bán đảo Triều Tiên.

Những lời kêu gọi này không có gì đáng ngạc nhiên vì Seoul có lý do để lo ngại về vấn đề an ninh của họ.

Tuy nhiên, các thách thức mới đây nhất trên bán đảo đang nóng lên vì các hoạt động quân sự này dấy lên câu hỏi: Tại sao một số người Hàn lại muốn có vũ khí hạt nhân chiến thuật và số vũ khí này có thể làm gì cho an ninh Hàn? Đặc biệt, số vũ khí đó sẽ củng cố ‘chiếc ô hạt nhân’ của Mỹ như thế nào?

Cuối năm 1991, Tổng thống Mỹ H.W.Bush đã cho rút các vũ khí hạt nhân chiến thuật Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên trong Sáng kiến Hạt nhân của Tổng thống.

Ngay sau đó, Seoul và Bình Nhưỡng ký một Tuyên bố chung thỏa thuận về một bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn phát triển một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và độc lập với lý do rằng việc Seoul vẫn là đồng minh với Washingon đã vi phạm thỏa thuận này (vì Mỹ vẫn sẽ bảo vệ Hàn Quốc trong ‘chiếc ô’ hạt nhân của mình).

Nếu như Hàn Quốc bị tấn công, Mỹ có thể bảo vệ Seoul bằng cách sử dụng kho hạt nhân chiến lược trong nước gồm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), các loại bom và các tên lửa đạn đạo phóng từ các tàu ngầm đóng từ ngoài biển.

Một lý do giải thích việc Hàn Quốc vẫn quan tâm tới các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đó là vai trò của họ trong quá trình ‘tách riêng’. Trong bất kỳ một liên minh nào có liên quan tới phòng thủ hạt nhân,có một vấn đề cơ bản về mặt lòng tin, đó là: Tại sao một cường quốc hạt nhân như Mỹ lại sử dụng vũ khí của mình trên danh nghĩa Hàn Quốc, và có thể dẫn tới việc chính mình trở thành mục tiêu bị trả đũa?

Lúc này, tên lửa Triều Tiên có thể chưa đủ khả năng tới Mỹ. Nhưng nếu điều này thành hiện thực, Bình Nhưỡng có thể uy hiếp các thành phố của Mỹ, và khi đó thì tình thế tiến thoái lưỡng nan còn đáng ngại hơn.

Một số người tin rằng tình thế này càng bị phóng đại hơn nữa với thực tế rằng chiếc ô hạt nhân mà Mỹ muốn che chở cho Hàn Quốc lại hoàn toàn nằm ở trong nước và đặt dưới biển. Khi đó, một số rất ít vũ khí hạt nhân chiến thuật được đặt trên bán đảo và Seoul bị Bình Nhưỡng tấn công, Mỹ có thể sử dụng ngay vũ khí hạt nhân mà không cần viện lý do rằng các thành phố của họ sẽ bị nguy hiểm.

Trong viễn cảnh đó thì việc sử dụng hạt nhân trong cuộc khủng hoảng như vậy là rất có thể xảy ra, và do đó, chiếc ô hạt nhân mới đáng ‘tin cậy’ hơn.

Một lý do khác giải thích việc Hàn Quốc muốn đưa các vũ khí hạt nhân chiến thuật này trở lại chính là các vũ khí này sẽ đóng vai trò như quân bài trong khi đàm phán với Triều Tiên. Trong rất nhiều vòng đàm phán, Seoul không có được thế mạnh như họ muốn.

Họ chỉ có mỗi phương án là cắt giảm hoặc hoãn viện trợ cho Bình Nhưỡng, hay nói cách khác là họ có ‘củ cà rốt’ – nhưng việc viện trợ này lại đang nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị ngày càng lớn trong nước.

Nếu Seoul sở hữu các các vũ khí hạt nhân này, đó có thể được coi là ‘cây gậy’ để họ ứng phó với Triều Tiên.

Các phân tích về lý thuyết ‘tách riêng’ và ‘cây gậy’ này không chỉ xuất hiện trong giới học thuật mà còn nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng thông qua một số kênh thăm dò dư luận hồi tháng 2/2013.

Một câu hỏi khác được đặt ra nữa là: Liệu các vũ khí này có củng cố chiếc ô hạt nhân chiến lược của Mỹ?

Câu trả lời là lá chắn hạt nhân là thứ được mở rộng suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm ngăn ngừa các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc hạt nhân vào các đồng minh cùng với lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trên danh nghĩa các đồng minh đó. Cho đến nay, chưa có một đồng minh nào nhận được sự bảo vệ an ninh chính thức từ Mỹ từng trở thành nạn nhân của một vụ tấn công lớn.

Vấn đề lúc này không phải là việc Mỹ cam kết tham gia vào một cuộc chiến lớn giúp đồng minh. Thực tế thì các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc lại phải đối mặt với các hành động gây hấn rất khó ngăn cản. Chẳng hạn như chiếc ô hạt nhân của Mỹ không được thiết kế để ngăn các vụ thử hạt nhân, hay là đánh chìm tàu khu trục hay là nã pháo lên đảo ngoài khơi.

Tuy vậy, các hành động này dù có quy mô nhỏ nhưng hay xảy ra. Và một khi các hành động như vậy tái diễn, Hàn Quốc vẫn không khỏi thấp thỏm lo âu.

Lê Thu (Theo Diplomat)