Ngay khi Cộng hòa Síp đưa ra kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm đổi lấy
gói cứu trợ 10 tỷ Euro từ Liên minh châu Âu, các thị trường trong và ngoài nước
này đã lập tức phản ứng gay gắt.
TIN BÀI KHÁC:
Quân đội Triều Tiên mạnh hơn Hàn Quốc?
Tham vọng của Nga với ASEAN
Người dân rút tiền ở máy ATM tại thủ đô CH Síp. |
EU đã yêu cầu Síp áp mức thuế 9,9% đối với những khoản gửi trên 100.000 Euro, 6,7% đối với các khoản gửi dưới 100.000 Euro bắt đầu từ ngày 19/3. Đây là lần đầu tiên liên minh này đặt ra các điều khoản như vậy trong một gói giải cứu.
Người dân Síp hoang mang
Ngay sau thông tin này, đông đảo người dân Cộng hòa Síp đã đổ xô tới các máy ATM rút tiền mặt. Nhiều ngân hàng buộc phải giới hạn mức rút ở con số 400 Euro và nhiều máy ATM không còn tiền để phục vụ vào cuối tuần qua. Một số ngân hàng khác đóng cửa các ngày 19 và 20/3 để chờ quyết định của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Nicos Anastasiades đã phải lên tiếng trấn an dân chúng và thuyết phục các nhà lập pháp bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch giải cứu. "Chúng ta sẽ phải rời Eurozone và phá giá đồng tiền nếu vỡ nợ".
Được biết, Chính phủ Síp cũng đã nhóm họp và đề xuất một kế hoạch đánh thuế khác đối với tiền tiết kiệm để trình lên các chủ nợ quốc tế. Kế hoạch mới sẽ đánh thuế 3% với khoản tiền gửi dưới 100.000 Euro và 12,5% với các khoản tiền lớn hơn.
Trước đó, vào tháng 6/2012, Cộng hòa Síp đã chính thức xin giải cứu sau khi các ngân hàng nước này rơi vào tình trạng khốn đốn do các khoản mua lỗ liên quan đến Hy Lạp. Các khoản thua lỗ đã khiến hoạt động cho vay ngưng trệ và đẩy nền kinh tế nước này lún sâu hơn vào suy thoái.
Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa
Diễn biến tại CH Síp khiến nhiều người lo ngại một cuộc khủng hoảng mới sẽ nổ ra ở Eurozone. Tâm trạng tiêu cực này ngay lập tức được phản ánh trên các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu sụt giảm mạnh sau những diễn biến ở CH Síp. |
Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,8% sau khi chạm mốc cao nhất kể từ tháng 6/2008 ở phiên trước đó. Chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,6%. Giá đồng Giám 1,9% trong khi giá vàng tăng 0,8%.
Có tới 9 trong số 10 nhóm của chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm điểm với cổ phiếu tài chính giảm điểm mạnh nhất.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức giảm xuống mức 0,003%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật cũng giảm 3,5 điểm cơ bản, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm 1,1%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Chỉ số Micex của Thị trường chứng khoán Nga có phiên giảm điểm mạnh nhất 4 tháng khi tụt 2,5%.
Theo ước tính của Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi tổng cộng 19 tỷ USD tại các ngân hàng Síp.
Các chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán Đài Loan, Philippines, Ba Lan và Hàn Quốc đều giảm. Báo chí phương Tây nhất loạt đưa tin về sự kiện này cùng tác động của nó đến tình hình tài chính ngân hàng cũng như thị trường vốn của hàng loạt quốc gia liên quan.
Nhận định về quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của Cộng hòa Síp, nhà
quản lý quỹ tại Banque Palatine SA, ông Matthieu Giuliani, bình luận: "Quyết
định của Síp đã làm tổn thương thị trường. Điều này tạo nên một tiền lệ đáng sợ
cho châu Âu. Nếu các chủ nợ cũng áp dụng biện pháp tương tự với Tây Ban Nha hoặc
Italia, chắc chắn nó sẽ khiến hệ thống ngân hàng châu Âu rơi vào trạng thái hỗn
loạn".
Thanh Hảo (Tổng hợp)