Chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương cho hay ông ủng hộ việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu như tên lửa này đe dọa Mỹ hoặc các đồng minh của Washington trong khu vực.
Triều Tiên được cho là đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa Musudan
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, Đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy trưởng Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, nói rằng ông không khuyến khích việc bắn hạ mọi tên lửa mà Triều Tiên phóng đi.
Tuy nhiên, ông nói rằng ông 'chắc chắn khuyến khích' việc đánh chặn tên lửa Triều Tiên 'nếu như nhằm bảo vệ đồng minh' của Mỹ.
Hàn Quốc cho biết hiện nay, Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm trung Musudan ở bờ biển phía đông.
Ông Locklear nói rằng ông tin chắc rằng quân đội Mỹ có thể nhanh chóng phát hiện đường bay của tên lửa này, ' xem nó đang bay đi đâu và sẽ đáp xuống đâu' - Đô đốc Locklear nói.
Chỉ huy quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh vào hành động mang tính chất cân bằng mềm mỏng của Tổng thống Obama vì chính quyền của ông đang cố gắng thể hiện rằng Mỹ muốn giải quyết tình hình mà không làm cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên thêm trầm trọng.
Locklear nói rằng tình hình rất 'bất ổn' và nói rằng mọi tính toán sai lầm đều có thể dẫn đến một cuộc chiến ngoài ý muốn.
Để kiểm soát được tình hình, ông Locklear nói rằng kế hoạch quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ được vạch ra nhằm đối trọng với các gây hấn của Triều Tiên, nhưng không gây nên 'leo thang không cần thiết'.
"Chúng ta không biết nhiều về ý định của lãnh đạo Triều Tiên, mà điều này vẫn là một mối lo ngại đối với ổn định (trên bán đảo Triều Tiên) về lâu dài" - ông Locklear viết.
Tăng gia sản xuất
Trong khi truyền thông thế giới, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Nhật Bản đang 'sốt ruột' vì lo ngại chiến tranh bùng nổ, truyền thông của Triều Tiên lại tập trung bàn thảo về phát triển kinh tế.
Tờ Rodong của Triều Tiên kêu gọi người dân tăng tốc phát triển kinh tế, song song với vũ khí hạt nhân
Khác với hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên hầu như mỗi ngày phát đi một đe dọa chiến tranh, tờ nhật báo lớn nhất của Triều Tiên là Rodong (của Đảng Lao Động) gửi đi một thông điệp hoàn toàn khác, với nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh tế.
"Như mọi khi, tờ nhật bảo của Đảng luôn kêu gọi tăng trưởng kinh tế, và các nhà máy, nông trại xuất hiện trên các kênh truyền hình trước khi những người giới thiệu chương trình chuyển sang giọng điệu chống Mỹ và chống Hàn" - một nhà phân tích về tuyên truyền Triều Tiên Brian Myers cho hay.
Tiêu đề của tờ Rodong hôm 5/4 vẫn kêu gọi: "Hãy tăng tốc nhịp độ của Byungjin [chính sách kêu gọi đồng thời phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân] và Phát triển Kinh tế".
Còn ngoài ruộng, vào tầm thời gian này, những người nông dân Triều Tiên đã trở lại với công việc cày cấy sau đợt hạn hán.
Hãng Reuters dẫn lời một nông dân bỏ trốn khỏi Triều Tiên là Lee So-yeon cho hay việc gieo trồng vụ xuân đang trở thành ưu tiên hàng đầu vào lúc này.
Một người khác nói thêm: "Triều Tiên không thể trồng trọt mà không có sự trợ giúp từ quân đội... Nhiệm vụ chính của quân đội là xóa đói".
Thời điểm canh tác vụ xuân vào khoảng tháng Năm và tháng Sáu, và trùng khớp với thời điểm Mỹ và Hàn Quốc kết thúc tập trận.
Triều Tiên có lực lượng quân đội đứng thứ Tư về mặt quân số, với 1,2 triệu lính chính quy và khoảng trên 5 triệu lính dự bị. Việc duy trì lương thực để nuôi quân trong bối cảnh liên tục xảy ra hạn hán và nạn đói là thách thức không nhỏ với Bình Nhưỡng.
Lê Thu (Theo CNA/ Reuters)