Sữa bột trẻ em, đậu nành, dầu và quặng sắt dường như là những thứ chả liên quan gì với nhau song chúng có một điểm chung. Đó là những món hàng mà Trung Quốc đang có nhu cầu cực cao.
Sự lựa chọn cá nhân đã dẫn tới một số nhu cầu. Nhu cầu về nhiên liệu của Trung Quốc dẫn đến mức cầu của một số mặt hàng khác.
Ví dụ, kể từ năm 2008, khi hàng trăm nghìn em bé bị bệnh vì uống phải sữa bột nhiễm độc, người Trung Quốc đại lục bắt đầu đi khắp thế giới để tìm mua sữa bột từ những nguồn đáng tin. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc - vốn có tiền để đi du lịch, là những khách hàng tìm kiếm các món hàng chất lượng ngoài biên giới.
Cùng lúc, do Trung Quốc thiếu một số tài nguyên chủ chốt cần thiết để nuôi sống người dân và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của mình, Bắc Kinh bắt đầu có những động thái nhằm thâu tóm dầu, quặng sắt và thực phẩm cách xa nửa vòng trái đất.
Bất kể là lựa chọn hay bằng sức mạnh, Trung Quốc và công dân của họ đang tìm kiếm các thị trường mới và mua những gì họ cần. Theo một số nhà phân tích, đó là dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra.
Đậu nành: Dùng làm dầu, đậu phụ và thức ăn cho vật nuôi
Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Đậu nành là một trong
những mắt xích khởi đầu của chuỗi thực phẩm của Trung Quốc, nó được dùng làm dầu
ăn, đậu phụ và thức ăn cho ngành chăn nuôi lợn. Năm 2012, quốc gia đông dân nhất
thế giới này nhập khẩu 59% lượng cung cấp đậu nành của thế giới, dữ liệu của FAO
cho thấy, tăng 25% kể từ năm 2000.
"Nếu họ tự sản xuất được đậu nành, họ cần sử dụng 28 triệu ha đất", Merritt Cluff thuộc Tổ chức Nông Lương (FAO) tại Rome cho hay. "Điều đó có nghĩa là gần 1/4, khoảng 23% tổng số đất có thể canh tác được ở Trung Quốc có thể dùng để trồng đậu nành, dựa trên dữ liệu mới nhất của Trung Quốc vào năm 2008. Tuy nhiên, năm 2011, theo Ngân hàng thế giới, chỉ 12% tổng diện tích đất của Trung Quốc có thể canh tác vào năm 2011, so với Mỹ là 17,5% và Đức là 34%. Họ quyết định không dùng nhiều đất như vậy để trồng đậu nành, do đó, Trung Quốc nhập khẩu".
Trung Quốc dựa vào ba nhà nhập khẩu chính, đều ở Mỹ, để cung cấp đậu nành cho trong nước. Brazil, Mỹ và Argentina là những nước xuất khẩu đậu nành lớn trên thế giới.
Lợn: '470 triệu con lợn ở Trung Quốc'
Ngoài đậu nành, Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, họ ăn
nhiều thịt lợn hơn phần còn lại của thế giới, Cluff nói. "Ước tính hiện thời cho
thấy Trung Quốc chiếm 48% lượng tiêu thụ thịt lợn toàn cầu".
Trong khi Trung Quốc được ước tính là nuôi 470 triệu con lợn trong năm 2012 thì vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo FAO, số lượng lợn nuôi tăng khoảng 1,5% mỗi năm trong thập niên qua. Hiện, Trung Quốc đang nhập thịt lợn từ Mỹ, châu Âu và Canada.
"Có rất nhiều mối lo. Theo một phân tích, đó là điều tồn tại trong tâm trí nhiều người trong suốt 30 năm qua", Cluff nói. Những lo ngại bắt đầu từ lương thực tới tài nguyên thiên nhiên và Trung Quốc đang tìm nguồn cung cấp trên khắp thế giới.
Thu mua dầu và các hợp đồng
Tháng 7/2002, CNOOC - công ty sản xuất dầu Trung Quốc đã chi 15 tỷ USD để mua
Nexen, một trong những công ty dầu độc lập lớn nhất Canada, vốn có tài sản ở
Vịnh Mexico, ở biển Bắc ngoài khơi Anh và Nigeria. Tháng 11/2002, công ty
Sinopec của Trung Quốc và Aramaco của Ả rập Xê út đã ký một thỏa thuận chuyển
1,4 triệu thùng dầu một ngày sang cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, một chuyên gia chuyên theo dõi kinh tế Trung Quốc cho rằng thế giới không nên quá lo lắng và mức cầu về lương thực lẫn tài nguyên thiên nhiên từ dầu tới quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm.
- Hoài Linh (Theo CNN)