Sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh được đưa vào chạy thử, Bắc Kinh lại tuyên bố một chiếc mới đang được lắp ráp. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh. Ảnh: Guardian

Với (nhiều hơn) một tàu sân bay, dường như chiến lược của hải quân Trung Quốc đang có những chuyển biến lớn. 

Từ một tàu sân bay ban đầu mua lại của Liên Xô, Trung Quốc đã có các bước tiến lớn khi quyết định cho ‘ra lò’ hai chiếc hàng không mẫu hạm sản xuất trong nước còn ‘lớn hơn’ chiếc đầu tiên. Bên cạnh đó, hàng không mẫu hạm thứ tư của Trung Quốc sẽ được trang bị hạt nhân.  

Đây được coi như một phần trong việc phát triển mục tiêu tạo nên một hạm đội tàu sân bay tấn công tinh nhuệ với số lượng ấn tượng.

Mặc dù các chuyên gia nước ngoài chỉ ra việc phát triển các tiềm lực và tổ hợp như vậy đòi hỏi rất nhiều thời gian và tiền bạc, nguồn lực, nhưng thực tế là các tàu sân bay này đóng vai trò là biểu tượng cho sức mạnh hàng hải ngày càng mở rộng của Trung Quốc. 

Với các hàng không mẫu hạm, hải quân Trung Quốc đang đi đầu trong các thay đổi mạnh mẽ trong các mục tiêu chính trị của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Lâu nay, Quân đội Trung Quốc (PLA) vẫn tập trung vào an ninh trong nước và bảo vệ lãnh thổ. 

Nhưng tới lúc này, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng hướng tới việc bảo vệ các lợi ích bên ngoài lãnh thổ mà Bắc Kinh đang nhắm tới, gây ảnh hưởng lên chính trị an ninh khu vực và đóng góp vào hòa bình quốc tế. 

Không có thứ vũ khí nào có thể biểu trưng cho ý chí chính trị của Bắc Kinh khi theo đuổi các mục tiêu này hơn là tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Không chỉ là niềm tự hào của người dân Trung Quốc nói chung, Liêu Ninh còn là một điểm quy tụ sức mạnh cho chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc và là một chất xúc tác cho sự tự ý thức về tầm quan trọng của đất nước trên chính trường toàn cầu. 

Với lãnh đạo Trung Quốc, tàu sân bay không chỉ là vấn đề uy thế. Các con tàu sân bay này còn nhằm thực hiện ‘sứ mệnh lịch sử’ cho các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong kỷ nguyên hiện đại. 

Trong sách trắng quốc phòng do Trung Quốc công bố mới đây, Bắc Kinh đã giải thích về trọng tâm mới trong các vấn đề về biển. Sách trắng này cho hay hải quân Trung Quốc về bản chất đóng vai trò quan trọng trong ‘chiến lược khai thác, sử dụng và bảo vệ các biển và đại dương, và tạo dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển’. Như vậy, đây gần như là lần đầu tiên Trung Quốc công khai đề cập tới vai trò của quân đội Trung Quốc trong việc ‘bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài’.   

Xây dựng các tiềm lực để tác chiến ở các vùng biển xa đã trở thành một ưu tiên quan trọng cho các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Bên cạnh các tàu sân bay, hải quân Trung Quốc cũng đang sở hữu các nền tảng phục vụ cho việc đổ bộ để đưa các binh sĩ tới các bờ biển nước ngoài và mang máy bay trực thăng đi hỗ trợ. Mỗi hạm đội hải quân của Trung Quốc lại có các đơn vị không quân và các lữ đoàn lính thủy đánh bộ được huấn luyện các hoạt động tác chiến đổ bộ. 

Việc quân đội Trung Quốc phát triển sức mạnh ra bên ngoài là một hệ quả không tránh được từ việc toàn cầu hóa nền kinh tế Trung Quốc. Khi mà lợi ích của Trung Quốc mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ nước này, họ sẽ tất nhiên tìm cách mở rộng sức mạnh quân sự.  

Tuy nhiên, cuộc cách mạng có thể thấy trước này sẽ mang lại các hệ quả đáng kể mà các nước láng giềng cũng như các cường quốc khác phải chuẩn bị sẵn tinh thần đối phó. 

Tại sao Trung Quốc mở rộng phát triển tàu sân bay? 

Phát huy sức mạnh. Chắc chắn là một chiếc hàng không mẫu hạm mang lại cho Trung Quốc một nền tảng di động trên biển để từ đó các máy bay chiến đấu của họ có thể mở rộng tầm tiếp cận với một giá khá phải chăng. Thiếu tàu sân bay, Trung Quốc khó có thể mở rộng sức mạnh của mình ngoài khơi.  

Các tên lửa đạn đạo đầu đạn thường ngày càng nhiều hơn và chính xác hơn có tầm bắn rất xa, nhưng vẫn rất đắt đỏ, chỉ dùng được một lần, và là vũ khí sử dụng cho một mục đích duy nhất. 

Và tất nhiên, các tên lửa không thể đảm nhận các nhiệm vụ phi động lực như hiện diện, tuần tra hay cứu trợ thảm họa.  

Bảo vệ các tuyến đường biển và tuyên bố trên biển. Như nhiêu nhà quan sát Trung Quốc đã nói, một chiếc tàu sân bay sẽ giúp Trung Quốc đảm bảo các tuyến đường biển, nhất là khi tầm quan trọng của các tuyến này ngày càng tăng do hoạt động thương mại với nước ngoài được mở rộng. 

Nhưng trong bối cảnh quân sự thì khả năng một chiến hạm thực thi nhiệm vụ đó cũng còn phụ thuộc vào các tiềm lực của đối phương. Nếu như các chiến cơ của đối phương xuất sắc hơn các chiến cơ trên tàu sân bay Trung Quốc, thì tàu sân bay này lại ít hữu ích. 

Tuy nhiên, một tàu sân bay cỡ trung bình của Trung Quốc cùng không quân có tiềm lực tối đa lại có thể thúc đẩy ưu thế của Trung Quốc trong các vùng biển lân cận đang tranh cãi. 

Thúc đẩy tự hào dân tộc. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Bắc Kinh coi một chiếc tàu sân bay tượng trưng cho kỳ tích của cả quốc gia.  

Không giống như các lập luận về việc ủng hộ hay phản đối tàu sân bay, vấn đề tự hào dân tộc không liên quan nhiều tới tiềm lực thực tế của con tàu, mà nó mang ý nghĩa vô hình, là biểu trưng cho vị thế của đất nước đó. 

Các cuộc biểu tình của Trung Quốc gần đây liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo cùng tuyên bố chủ quyền nhắc nhiều người nhớ lại rằng việc vượt qua “Một thế kỷ Nhục nhã” của Trung Quốc (1842-1945) vẫn còn vang vọng và khiến công chúng nước này chưa nguôi nhức nhối.

Lê Thu (tổng hợp)