Tin nổi bật:
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Kenichiro Seki/Xinhua Press/Corbis) |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Tư (15/5) cho biết ông sẽ tới gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu có thể giúp giải quyết vấn đề liên quan tới các công dân Nhật Bản bị bắt cóc, vốn bị trì hoãn từ lâu.
"Nếu một cuộc gặp thượng đỉnh được coi là có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vấn đề bắt cóc, chúng ta phải xem nó như một điều tất yếu trong việc đàm phán với họ," Thủ tướng Nhật trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp đối lập tại Ủy ban quốc hội, một ngày sau khi cố vấn của ông, Isao Iijima đã có mặt tại Bình Nhưỡng trong một chuyến thăm bất ngờ.
Tuy nhiên, ông Abe đã từ chối bình luận về mục đích chuyến đi của ông Iijima.
Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi tới thăm Bình Nhưỡng vào năm 2002, Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc công dân Nhật Bản từ những năm 1970-1980 để huấn luyện ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản cho các điệp viên của mình.
Một số người đã được phép trở lại Nhật cùng với những đứa con được sinh ra tại Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng nói rằng những người còn lại trong số họ đã chết.
Mặc dù vậy, nhiều người tại Nhật Bản tin rằng Triều Tiên vẫn đang giữ một vài người và sự phủ nhận trắng trơn của Bình Nhưỡng về vấn đề này đã phá hỏng mọi nỗ lực bình thường hóa quan hệ hai bên.
Ông Iijima cũng là một cố vấn cấp cao của cựu Thủ tướng Koizumi và đóng một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp chuyến thăm của ông tới Bình Nhưỡng vào năm 2002 và 2004 để hội đàm với ông Kim Jong-il, lãnh đạo Triều Tiên khi đó.
Theo truyền thông Nhật, Isao Iijima, người được coi là có các mối liên hệ mật thiết tại Triều Tiên, đã được Vụ phó Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Chol-ho chào đón tại sân bay tại Bình Nhưỡng hôm 14/5.
Thông tin này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Triều Tiên đang cố gắng hâm nóng quan hệ với Nhật Bản vào thời điểm quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc đã trở nên đóng băng sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Tin vắn:
- Ít nhất 35 người đã thiệt mạng trong một loạt vụ đánh bom liều chết tại các
quận nơi người Shia sinh sống, thủ đô Baghdad, Iraq.
- Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung không
báo trước tại vùng biển ngoài khơi hòn đảo chính Kyushu, phía tây nam Nhật Bản.
- Chủ tịch Quốc hội Kuwait Ali al-Rashed cho biết một số thành viên nội các nước
này đã đệ đơn từ chức.
- Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay 15/5 đích thân xin lỗi về cái
chết của ngư dân Đài Loan và kêu gọi bình tĩnh khi công chúng Đài Loan ngày càng
bất bình về vụ việc.
- Bộ Quốc phòng Nga mở cuộc đấu thầu nhằm tái chế hơn 400 chiếc máy bay chiến
đấu và trực thăng, nhiều chiếc trong đó bị thải loại hồi thập niên 1980 - 1990.
- Chính quyền Myanmar phải sơ tán khẩn cấp 38.000 dân để tránh cơn bão Mahasen. 7 người đã thiệt mạng và 98 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn khi cơn bão này tấn công vào Sri Lanka.
- 5 chuyến bay đã bị ảnh hưởng sau khi ba hãng hàng không của Trung Quốc là China Eastern Airlines, Juneyao Airlines và Shenzhen Airlines đã lần lượt bị đe dọa đánh bom khủng bố.
- Nhà chức trách Nga ra lệnh trục xuất Ryan Christopher Foglen, bí thư thứ ba thuộc đại sứ quán Mỹ tại Moscow, người bị cáo buộc dùng hàng triệu USD để mua chuộc một nhân viên người Nga.
- Trung Quốc và Hàn Quốc đồng thời lên án bình luận của Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto về vấn đề “nô lệ tình dục” trong Thế chiến II.
- Ít nhất 12 người đã bị thương, trong đó có 2 người thiệt mạng trong hàng loạt vụ nổ súng diễn ra trong vài tiếng ở Chicago, Mỹ hôm 15/5.
Phát ngôn ấn tượng:
Trạm tên lửa Sohae ở Tongchang-ri, Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
"Tôi không tin Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, lắp ráp vào
phần đầu của tên lửa, cũng như giải quyết khó khăn trong quá trình phóng, bay
trở lại quỹ đạo và tấn công mục tiêu," một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ
khẳng định.
Thông tin trong ảnh:
Nhiều người dân tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã không giấu nổi sự buồn bã khi chú vịt cao su cao 16,5 mét, từng thu hút hàng chục ngàn khách thăm quan, đã bị xì hơi sau 2 tuần “bơi lội tung tăng”. (Ảnh: Reuters) |
Ngày này năm xưa:
Ngày 16/5/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập "Quỹ tham gia kháng chiến", kêu gọi tất cả các công dân Việt Nam từ 18-35 tuổi góp tiền vào cuộc kháng chiến.
Sầm Hoa (Tổng hợp)