Sau khi người Nga phát hiện ra vụ đường hầm dưới tòa nhà sứ quán Liên Xô, Mỹ vẫn không hiểu vì sao kế hoạch của họ bị lộ.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Robert Hanssen bị bắt chỉ vài phút sau khi giao tài liệu cho Nga trên cây cầu gỗ (ảnh trái)

Điệp viên hai mang ‘hưởng lương cao nhất thế giới’ là Ames (bị bắt năm 1994) khi đó đang ở Rome nên khó có thể gán tội cho người này, dù rằng ông ta là người góp công lớn cho việc phá vỡ mạng lưới gián điệp của CIA tại Liên Xô và sau này là Nga. 

Trên thực tế, FBI đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng không lần nào những lời cảnh tỉnh nhận được sự quan tâm thích đáng. 

Sau cùng, những tổn thất tình báo nặng nề khiến Mỹ tin rằng chắc chắn là còn một ‘cáo già’ nữa đang ‘nằm vùng’ ở CIA, FBI hay đâu đó trong chính quyền Mỹ. Người này ắt hẳn phải tầm cỡ như Ames.  

Một kế hoạch đã giăng ra với sự tham dự của các đặc vụ giỏi nhất của FBI trên toàn nước Mỹ kết hợp với CIA. Cũng trong lần ‘giăng bẫy’ này, ‘Ramon’ đã lộ tẩy sau khi FBI lần ra giọng nói của Hanssen trong băng ghi âm khi trao đổi với KGB. 

‘Bóng ma’ của Hanssen 

Eric O'Neill không hề biết về công việc thực sự của mình hệ trọng tới mức nào. Mới 27 tuổi, O'Neill còn quá trẻ để trở thành đặc vụ FBI, nên anh đã được ‘cải trang’ làm trinh sát.

O'Neill được huấn luyện để quan sát, chụp ảnh và theo dõi bất kỳ mục tiêu nào bị coi là mối đe dọa tới an ninh đất nước. “Chúng tôi tự nhân mình là những bóng ma, vì bạn phải theo dõi ai đó mà không được để lộ” - O'Neill nói.  

Sếp của O'Neill là Louis Freeh ra cho anh một nhiệm vụ đặc biệt. Khi đó, Freech đã bắt đầu nghi ngờ có ai đó đang bán bí mật cho phía Nga, trong đó có tên tuổi các điệp viên của Mỹ nên đã có ít nhất hai người trong số họ bị ‘xử’. 

O'Neill không biết gì về Hanssen, nhưng vẫn nhận nhiệm vụ khi biết rằng mình có thể giúp truy tìm thủ phạm. 

Ngoài việc O'Neill là tín đồ Công giáo và điều này đặc biệt quan trọng với Hanssen, lại biết nhiều về máy tính, ‘đặc vụ tay mơ’ này hầu như không có phẩm chất gì đặc biệt so với một ‘lão làng’ như Hanssen. 

Ngay trong ngày đầu tiên đến trụ sở FBI, O'Neill nhận ra tại sao mình lại bị chỉ trích khi nhận nhiệm vụ này. “Tôi nghĩ là tôi sẽ phải tóm một siêu điệp viên” - O'Neill nói, nhưng rồi ‘Tôi đã mất phương hướng”.  

Kế hoạch của FBI vừa khác thường, vừa liều lĩnh theo chiến lược ‘thả mồi – bắt bóng’. Nếu như Hanssen tiếp cận các mật của FBI và bán cho người Nga, FBI sẽ mở rộng lối thêm cho điệp viên này bằng cách cho Hanssen có thể truy cập hầu hết mọi bí mật của FBI. Sau đó, họ sẽ lặng lẽ theo dõi mọi cử động của Hanssen.  

Chính những người như O’Neil bí mật ngồi ‘rình con mồi’ sập bẫy.   

Ngay trong ngày đầu tiên làm việc, Hanssen đã gọi O’Neil vào phòng và dạy bài học vỡ lòng cho nhân viên trẻ,và gọi đó là “Luật của Hanssen”.  

O’Neil kể lại: Hanssen nói rằng tình báo luôn là ‘khi anh có thể tiếp cận tới thông tin mà anh hiểu rằng mình có thể sử dụng để gây nên thiệt hại nặng nề nhất và có nhiều tiền nhất. Và anh ta hiểu rằng mình sẽ sử dụng và lấy nó đi như thế nào”.  

Một ngày, các đồng nghiệp thông báo cho O’Neil có dấu hiệu cho thấy Hanssen sắp ‘giao’ tài liệu cho phía Nga nhưng không biết chính xác là khi nào.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu suốt 6 tháng O’Neil làm việc cùng Hanssen là phải tiếp cận tới chiếc máy tính Palm Pilot của cấp trên. Nhưng chưa bao giờ Hanssen rời mắt khỏi chiếc máy này. 

Kế hoạch đánh lạc hướng Hanssen đã giúp O’Neil tiếp cận và tải dữ liệu từ thiết bị này. Đây quả là món ‘hời’ cho FBI vì Hanssen lưu toàn bộ bản sao các tài liệu chuyển cho người Nga trong đó, và tất nhiên, trong đó có cả ‘ngày giao’ tài liệu. 

Tất nhiên, không loại trừ khả năng kế hoạch ‘bàn giao’ này chỉ là màn tung hỏa mù của Hanssen để xem mình có bị 'lộ tẩy' hay không. Nhưng rồi cuối cùng, 'cáo già' cũng không thoát.

Kết cục cuối cùng 

Robert Hanssen bị bắt ngày 18/2/2001 tại công viên Virginia chỉ vài phút sau khi bỏ lại một chiếc cặp đựng tài liệu trong cây cầu gỗ cho người đi bộ. Đây là một ‘hòm thư chết’ để Hanssen liên lạc với người Nga. 

Điệp viên hai mang 'lão luyện' đã không hề chống cự khi bị bắt. O’Neil nói Hanssen chắc là không biết gì về kế hoạch tác chiến để bắt mình và nếu biết rằng chính cậu là người tham gia kế hoạch này, hẳn ông ta sẽ cảm thấy như bị ‘phản bội’. 

“Cực kỳ nghiêm trọng” là từ mà các quan chức Mỹ nói về thiệt hại mà Hanssen gây nên trước khi họ thực sự biết được tính chất ‘nghiêm trọng’ của hành động phản bội này. Sau đó, một số nhà phân tích đã gọi Hanssen là điệp viên gây tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ. 

Không một người hàng xóm cũng như người thân trong gia đình có thể tưởng tượng được việc một người đàn ông trung niên hiền lành lại là kẻ phản bội đất nước ở mức độ như vậy. 

Paul Moore - một cựu điệp viên phản gián của FBI và quen biết Hanssen suốt 20 năm - nói rằng mục đích tối thượng của Robert Hanssen là ‘thể hiện mình hơn hẳn tất thảy mọi người trong cuộc chơi tình báo xưa nay. Ông ta muốn mình là điệp viên xuất sắc nhất thời đại”.  

Tháng 5/2002, Hanssen bị tuyên án chung thân. Trong phòng xử án không có mặt vợ và các con của Hanssen, lác đác có vài người bạn cũ.

Sau khi vụ việc vỡ lở, bốn nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ và 46 người khác bị buộc rời khỏi đất Mỹ. Để trả đũa, Nga tuyên bố họ sẽ trục xuất 50 nhà ngoại giao Mỹ khỏi đất Nga. Sau cùng, chỉ có 4 nhân viên sứ quán Mỹ rời Moscow, khép lại bê bối gián điệp động trời giữa hai ‘cựu thù’ Chiến tranh Lạnh.

Lê Thu (tổng hợp)