Tổng thư kí nội các Nhật Bản, ông Yukio Edano cho biết vụ nổ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima (miền Đông Bắc Nhật Bản) vào lúc 15h30 chiều ngày 12/3 là do lỗi của hệ thống bơm khi những người công nhân đang cố gắng hạ nhiệt độ của lò phản ứng xuống.

Vụ nổ đã phá hủy tường và mái của nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima (Ảnh: dailymail)

Vụ nổ hồi 3:30 chiều thứ Bảy xảy ra một ngày sau khi trận động đất và sóng thần làm tê liệt hệ thống làm mát của 3 trên 4 lò phản ứng tại nhà máy ở phía đông bắc Nhật Bản. Bộ phận điều khiển các xêri phóng xạ đã bị hỏng do một thanh nhiên liệu của nhà máy bị tan chảy. Vì thế, các kĩ sư đã phải tiếp tục làm lạnh các thanh nhiên liệu bằng cách bơm nước xung quanh chúng.

Vào sáng sớm Thứ bảy, cơ quan hạt nhân của Nhật Bản cho biết các công nhân đang tiếp tục nỗ lực để làm lạnh các thanh nhiên liệu tại nhà máy sau khi một lượng nhỏ chất phóng xạ rò rỉ ra ngoài không khí. Quá trình này dự tính sẽ mất hai ngày thực hiện. Tuy nhiên, vụ nổ đã xảy ra do hệ thống bơm nước bị hỏng. Bốn công nhân bị thương trong vụ nổ.




Ông Edano nhấn mạnh thêm rằng mức độ bức xạ đã giảm kể từ sau vụ nổ và không có nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn phải mở rộng phạm vi sơ tán trong vòng bán kính 20 km (khoảng 12,5 dặm) xung quanh nhà máy. Khu vực sơ tán trước đây là 10 km.

Chính quyền quận Fukushima cho biết mức độ bức xạ hàng giờ tại nhà máy đã đạt đến mức cho phép đối với một người bình thường trong vòng một năm. Kyodo đưa tin.

Những thông tin chính xác về vụ nổ vẫn chưa được đưa ra rõ ràng. Thông tấn xã Kyodo dẫn lời Công ty Điện lực Tokyo, cho rằng mái nhà của một lò phản ứng tại nhà máy đã bị sập sau vụ nổ.

Một phát ngôn viên của Tổ chức hạt nhân và công nghiệp Nhật Bản trước đó cho biết vật chất nguyên tử đã thấm ra ngoài một trong năm lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Daiichi, cách Tokya khoảng 160 dặm (260 km) về phía Bắc.
Các nhà chức trách đã sơ tán người dân sống gần lò phản ứng sau trận động đất và sóng thần làm tê liệt hệ thống làm mát, cũng như tại nhà máy năng lượng điện hạt nhân Tokyo tại Quận Fukushima, Nhật Bản.

Ông Robert Alvarez, một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Washington phát biểu "Tình huống này có thể gây ra một thảm họa hạt nhân. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, bởi vì những gì đã xảy ra là hệ thống vận hành nhà máy đã không thể làm lạnh lõi của ít nhất hai lò phản ứng."

Các nhà chức trách cũng ra lệnh mở các van tại lò phản ứng bị ảnh hưởng tại hai nhà máy vào thứ Bảy - một động thái mà theo các chuyên gia thì nó có khả năng giải phóng áp lực ngày càng tăng khi nhiệt độ cao làm nước sôi và tạo hơi nước dư thừa.

Công ty điện lực thông báo vào hôm thứ  Bảy rằng khoảng 1 triệu hộ gia đình đã không có điện, và tình trạng thiếu điện có thể sẽ tiếp tục xảy ra do cơ sở vật chất của nhà máy đã bị hư hại. Vì thế, họ kêu gọi người dân hãy tiết kiệm điện.

James Acton, nhà vật lý có nhiệm vụ kiểm tra nhà máy Kashiwazaki-Kariwa từ sau trận động đất năm 2007, nói với kênh CNN rằng lượng chất phóng xạ mà hai nhà máy này thải ra khí quyển sẽ rất nhỏ.

Vấn đề lớn là nếu chúng ta không thể làm mát các thanh nhiên liệu và các lò phản ứng bắt đầu tan chảy thì chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường sẽ lớn hơn rất nhiều. Nếu điều đó xảy ra, khả năng gây bệnh ung thư trong thời gian dài sẽ là không thể tránh khỏi, đây mới chính là mối nguy hiểm thật sự.

Sầm Hoa
(Theo CNN)