Tiếp sau thảm họa động đất và sóng thần, Nhật hiện phải đối
mặt với rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, mối đe dọa lớn nhất hiện
nay. Số người nhiễm phóng xạ có thể lên tới 160.
Toàn cảnh động đất tàn phá Nhật Bản
Nhà máy điện hạt nhân của Nhật
Tại phòng kiểm soát của lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy điện hạt nhân
Fukushima 1, lượng bức xạ cao hơn 1.000 lần mức thông thường hôm 12/3, cơ quan
hạt nhân và an toàn công nghiệp Nhật cho biết.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật cho biết, bức xạ tỏa ra từ nhà máy Fukushima 1 dường như đã giảm bớt sau vụ nổ hôm 12/3, vốn tạo ra một đám khói trắng bao trùm khu vực này. Mặc dù vậy, đe dọa vẫn rất lớn và giới chức nước này buộc phải bơm nước biển vào lò phản ứng để tránh xảy ra thảm họa đồng thời di chuyển 170.000 người khỏi khu vực.
Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật sáng nay (13/3) cũng thông báo về tình trạng khẩn cấp tại một lò phản ứng khác, lò số 3 trong khu vực nhà máy, hiện bị hỏng hệ thống làm lạnh. Để giảm áp suất của lò phản ứng đang nóng quá mức, nhà chức trách đã cho thải một chút hơi nước, có thể chứa một lượng phóng xạ nhỏ.
Nhật hiện đối mặt với những đe dọa hạt nhân trong khi cố gắng xác định quy mô của động đất - mạnh nhất trong lịch sử gần đây và sóng thần tàn phá miền đông bắc nước này hôm 11/3. Thống kê chính thức cho biết, hiện có 686 người thiệt mạng, song chính phủ Nhật cho biết, con số này có thể vượt quá 1.000 người.
Vụ nổ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi, cách Tokyo 274km, dường như là hậu quả của từng bước ngăn chặn năng lượng phóng xạ phát ra sau khi động đất và sóng thần làm nhà máy này mất điện, làm tê liệt hệ thống dùng để làm lạnh thanh nhiên liệu ở đây.
Vụ nổ phá hủy tòa nhà nơi có lò phản ứng song không ảnh hưởng tới lò phản ứng, vốn được bao bọc bằng thép dày 15cm. Bên trong thùng thép bị nóng quá mức, nước được đổ vào để làm mát các thanh nhiên liệu, tạo ra hydrogen. Khi nhà chức trách thả khí hydrogen để giảm áp suất trong lò phản ứng, hydrogen dường như phản ứng với oxy, có thể là trong không khí hoặc nước lạnh, gây ra vụ nổ.
"Họ đang rất nỗ lực tìm ra giải pháp để làm mát hạt nhân", Mark Hibbs, một quan chức của Chương trình năng lượng hạt nhân cho biết.
Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết, phóng xạ quanh nhà máy đã giảm xuống chứ không tăng lên. Thông thường, bất cứ sự phân tán phóng xạ nào cũng có thể dấy lên nguy cơ về ung thư và nhà chức trách dự định rải iodine, giúp ngăn chặn khả năng gây ung thư tuyến giáp. Nhà chức trách đã yêu cầu 210.000 người trong bán kính 20km lò phản ứng sơ tán.
Đây là lần đầu tiên, Nhật phải đương đầu với mối đe dọa phóng xạ lan khắp nơi kể từ cơn ác mộng lớn nhất trong lịch sử, vụ Nagasaki và Hiroshima bị đánh bom nguyên tử năm 1945, khiến 200.000 người chết do vụ nổ, do nhiễm phóng xạ.
Giới chức Nhật cho hay, mức phóng xạ tại Fukushima đã tăng từ
trước khi vụ nổ xảy ra. Có lúc, nhà máy này mỗi giờ thải ra một lượng phóng xạ
mà một người hấp thụ từ môi trường trong một năm.
Cũng trong sáng nay, lực lượng cứu hỏa đang cố gắng dập tắt đám cháy tại nhà máy lọc dầu Cosmo ở thành phố Ichihara. Hiện 4 triệu hộ gia đình vẫn không có điện.
Hiện, Nhật đang đề nghị Nga cung cấp thêm năng lượng cho nước
này, hãng tin Nga Ria Novosti cho hay.
Các chuyên gia Anh nhận định, vụ nổ ở nhà máy hạt nhân Nhật là nghiêm trọng nhưng không có nghĩa là một thảm họa Chernobyl khác, khi phóng xạ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người.
- Hoài Linh (Theo Kyodo, AP)