Thảm họa ở Nhật đang vượt vòng kiểm soát trong bối cảnh có nhiều cảnh báo quốc gia này sẽ bị hủy diệt.


Báo động toàn cầu về khủng hoảng Nhật

Đêm qua, hoảng loạn dường như bao trùm Nhật khi khủng hoảng hạt nhân đang ngày càng trở nên trầm trọng. Nỗi lo về "ngày tận thế" bắt đầu dâng lên khi mức phóng xạ tăng, bắt đầu phát hiện phóng xạ ở mức thấp tại Tokyo khiến một số người chạy khỏi thủ đô và làm dấy lên báo động của quốc tế về cuộc khủng hoảng leo thang.  

Một số chuyên gia cảnh báo, nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang gặp sự cố đã trở thành mối họa hạt nhân lớn thứ 2 sau thảm họa Chernobyl. Hơn 140.000 cư dân sống trong bán kính 30km của nhà máy được yêu cầu ở trong nhà. Ngoài ra, có 180.000 người tại khu vực gần nhà máy đã được sơ tán. Các gia đình hoảng sợ đang gây tắc nghẽn đường sá khi chạy trốn khỏi khu vực nguy hiểm.

Báo động lan khắp toàn cầu. Tại châu Âu, khoảng 500 trung tâm cấy ghép tủy xương được đặt trong tình trạng sẵn sàng chữa trị cho các nạn nhân từ Nhật. Tại Ấn Độ, nhà chức trách yêu cầu mọi hàng hóa nhập khẩu từ Nhật phải kiểm tra xem có nhiễm phóng xạ không.

Sự cố hạt nhân leo thang

Nhà máy hạt nhân Fukushima hôm nay (16/3) lại xảy ra cháy ở lò phản ứng số 4. Như vậy, 4 vụ nổ và 2 đám cháy đã xảy ra tại Fukushima trong vòng hai ngày. Trong một vụ nổ, tường bê tông và tường thép bảo vệ lò phản ứng hạt nhân số 2 đã bị hư hại, làm dấy lên lo ngại phần vỏ bọc lò phản ứng có thể làm xì ra phóng xạ nguy hiểm.

Những diễn biến xấu liên tục diễn ra khi ủy viên hội đồng năng lượng châu Âu là Guenther Oettinger cảnh báo, Tokyo gần như đã mất kiểm soát mọi việc. "Đã có những cuộc bàn luận về ngày tận thế và tôi cho rằng từ này đã được chọn lựa cẩn thận", ông Guenther phát biểu tại Nghị viện châu Âu.

Trong khi đó, cơ quan an toàn hạt nhân Pháp cho biết, thảm họa ở Nhật hiện nay tương đương mức 6 trong 7 thang bậc tai nạn hạt nhân quốc tế, và chỉ đứng sau thảm họa Chernobyl năm 1986.


Lãnh đạo cơ quan an toàn hạt nhân Pháp Andre-Claude Lacoste nói: "Rõ ràng chúng ta đang ở mức 6, mức thảm họa".

Trong cơn tuyệt vọng, công ty điện lực Tokyo, hiện chịu trách nhiệm về nhà máy Fukushima Nhật đã yêu cầu trực thăng Mỹ thả nước lên nhà máy nhằm hạ nhiệt lò phản ứng do mức phóng xạ quá cao khiến con người không thể tiến gần.

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho biết, 70% thanh nhiên liệu hạt nhân đã bị hủy hoại tại một lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima. Mức phóng xạ ở khu vực nhà máy đã lên tới mức nguy hiểm, 400 millisieverts vào ngày hôm qua, cao gấp 4 lần mức có thể gây ung thư. Tuy nhiên, mức phóng xạ đã giảm xuống vào cuối ngày.

Các thông báo trên đài truyền hình NHK đã mang hơi hướng khải huyền: "Những người ở khu vực sơ tán: hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào. Tắt điều hòa nhiệt độ. Nếu bạn đang đi sơ tán, hay che người càng nhiều càng tốt và đeo khẩu trang che mặt. Hãy bình tĩnh".

Thủ tướng Naoto Kan tuyên bố: "Mức phóng xạ dường như rất cao và có nguy cơ phóng xạ sẽ thoát ra nhiều hơn". Hoảng loạn bắt đầu xảy ra ở Tokyo, nơi phóng xạ tăng gấp 10 lần mức bình thường. Người mua hàng quét sạch thực phẩm và khẩu trang che mặt ở các cửa hàng và ùn ùn leo lên các đoàn tàu ra nước ngoài.

Mỹ cũng có những biện pháp mới để bảo vệ nhân viên cứu hộ khỏi bị nhiễm xạ bằng cách đưa tàu chiến ra vùng biển an toàn.

Một loạt quốc gia đã lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Nhật. Mới đây nhất, Thủ tướng Pháp Fillon đã ra chỉ thị Air France phải có nhiều chuyến bay đưa công dân Pháp về nước.

Hoài Linh (Theo Mail, Kyodo)