Nhật hôm nay (16/3) đã dừng các hoạt động ngăn chặn tan chảy tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau khi mức phóng xạ tại đây tăng vọt, gây nguy hiểm cho các công nhân nếu tiếp tục làm việc.

Toàn cảnh động đất, sóng thần Nhật
Toàn cảnh động đất tàn phá Nhật Bản

Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết, việc hạ nhiệt lò phản ứng bằng nước đã bị dừng lại và cần thiết để các công nhân rút lui. Sáng nay (16/3), mức độ phóng xạ tại đây đã vượt 1.000 millisieverts, đủ để gây hại tới sức khỏe.

Trước đó, giới chức nước này cho biết, 70% thanh nhiên liệu tại một trong 6 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima đã bị hư hại nghiêm trọng sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3. Các báo cáo cho hay, 33% số thanh nhiên liệu tại một lò phản ứng khác cũng bị hủy hoại. Các quan chức Nhật cho biết, sẽ dùng trực thăng và xe cứu hỏa phun nước trong nỗ lực tuyệt vọng ngăn chặn phóng xạ rò rỉ thêm và làm hạ nhiệt lò phản ứng.

Cũng trong sáng nay, Nhật đã đề nghị cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) gửi chuyên gia tới Nhật ngay lập tức để giúp nước này đối phó với cuộc khủng hoảng ở nhà máy Fukushima. Takeshi Nakane, đại sứ của Nhật tại IAEA nói: "Chúng tôi muốn nhóm chuyên gia của IAEA tới càng nhanh càng tốt".

Khủng hoảng hạt nhân làm dấy lên báo động quốc tế và một phần làm lu mờ thảm họa nhân đạo do vụ động đất, sóng thần gây ra làm ít nhất 10.000 người chết.


Giới chức Nhật nỗ lực "điên cuồng" kể từ khi thảm họa kép xảy ra để ngăn chặn đại họa môi trường tại Fukushima Dai-ich ở đông bắc Nhật, cách Tokyo 270km về phía bắc. Chính phủ Nhật đã yêu cầu 140.000 người sống cách nhà máy Fukushima 30km ở lại trong nhà. Một lượng phóng xạ nhỏ đã được phát hiện ở Tokyo khiến người dân cuống cuồng mua lương thực và nước.

Nhà máy Fukushima có 6 lò phản ứng, 3 trong số đó đang hoạt động khi vụ nổ xảy ra. Một lò phản ứng, không hoạt động lúc động đất xảy ra, hiện vẫn đang cháy

Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật ước tính, 70% thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 1 đã bị hủy hoại. Theo Kyodo, 33% thanh nhiên liệu tại lò phản ứng số 2 bị phá hủy và lõi hạt nhân ở cả hai lò phản ứng đều tan chảy một phần.

"Chúng tôi không rõ hủy hoại tới mức nào. Nó có thể đã tan chảy hoặc thủng lỗ chỗ", Minoru Ohgoda, phát ngôn viên cơ quan an toàn hạt nhân Nhật nói.

  • Hoài Linh (Theo AP, Kyodo)