Trên đảo thiên đường ngoài bờ biển phía tây nam của Hàn Quốc, những cuộc biểu tình liên tục xuất hiện ở đảo Jeju suốt 3 năm gần đây.

{keywords}
Hải quân Hàn Quốc.

Các nhà hoạt động vì hòa bình tập trung tại Jeju để tổ chức các cuộc biểu tình nhằm phản đối việc xây dựng một căn cứ hải quân của Hàn Quốc trên hòn đảo 'hòa bình' này.

Một trong những lý do được nêu ra nhiều nhất là việc xây dựng căn cứ này có thể khiến nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, đồng thời gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Hầu hết người Hàn Quốc đều bác bỏ những lo ngại này. Như một bài báo hồi tháng 8/2011 viết về căn cứ ở Jeju đã bác bỏ các lo ngại của phe đối lập về mục đích của căn cứ này và mối quan hệ nhằm mở rộng các mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, dù có vẻ gượng gạo thì các lo ngại của những người biểu tình vẫn đáng xem xét trong bối cảnh môi trường chiến lược đang xấu hơn ở Đông bắc Á.

Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thảo luận về căn cứ hải quân tiềm năng trên đảo Jeju từ những năm 1990, và chính quyền Tổng thống Roh Moo-hyun đã phê chuẩn kế hoạch này như là một cách để quân đội Hàn Quốc chuyển đổi sang thành một lực lượng phòng thủ tự chủ hơn, và như vậy sẽ ít phụ thuộc vào Mỹ hơn.

Hiện tại, căn cứ này vẫn đang nhất quán với các kế hoạch của Hàn Quốc trong tương lai nhằm hiện đại hóa quân đội khi xây dựng lực lượng hải quân có khả năng tác chiến ở vùng biển nước sâu vào năm 2020.

Căn cứ này cũng giúp đảm bảo lợi ích quốc gia của Hàn Quốc trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng tham vọng biển. Do Hàn Quốc phải dựa vào xuất và nhập khẩu rất nhiều nên phần lớn hàng hóa được vận chuyển qua đường biển, Seoul không thể để cho các tuyến đường biển bị gián đoạn. Và trái ngược với một số ý kiến phản đối kế hoạch tại Jeju, căn cứ này rõ ràng không phải là căn cứ của Mỹ, mà thực sự nhằm phục vụ Hàn Quốc.

Các ý kiến phản đối gắn kết với nhau hơn chính là ở mối liên kết giữa căn cứ này và lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Á. Mặc dù quân đội Mỹ trước tiên cần phải có yêu cầu, và sau đó được chính phủ Hàn Quốc chấp thuận, nhưng vẫn là hợp lý khi cho rằng hải quân Mỹ rốt cuộc rồi sẽ tiếp cận căn cứ này.

Sau cùng, sự trỗi dậy của lực lượng Mỹ trong khu vực nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận các căn cứ đồng minh hơn là việc tham gia vào các căn cứ rộng lớn và lâu dài hơn. Và, do tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn đối với Hàn Quốc, nên chẳng có lý do gì để tin rằng Seoul sẽ phản đối yêu cầu cập cảng của Mỹ.

Đây chính là điều khiến cho căn cứ này có thể gây bất ổn đối với những người phản đối nó vì họ tin rằng cho Mỹ tiếp cận căn cứ này cũng có nghĩa là chọc tức Trung Quốc. Tất nhiên, Hàn Quốc không muốn chống đối Trung Quốc, hoặc chứng kiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Không may thay, hành xử của mỗi quốc gia trong quan hệ quốc tế lại hay bị chi phối bởi cách nhận thức (cũng như hiểu nhầm). Trong trường hợp riêng biệt này, cách nghĩ của Trung Quốc về liên minh Mỹ - Hàn chính là điều khiến các nhà hoạt động hòa bình lo ngại. Họ sợ rằng căn cứ ở Jeju sẽ khiến nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang hải quân trong khu vực.

Biểu tình hay không thì việc xây dựng căn cứ hải quân Jeju vẫn được tiến hành và mau chóng hoàn tất. Các bối cảnh xung đột mà các nhà hoạt động lo ngại thường xuất phát từ hình dung về trường hợp xấu nhất và hay rơi vào phía gây hoang mang sợ hãi.

Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc tới các ý nghĩa địa chiến lược của căn cứ. Mặc dù Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ phản đối đáng kể nào về căn cứ này, những viên chức cấp trung vẫn hay liên hệ việc xây dựng căn cứ này tới cuộc tranh cãi chủ quyền giữa Trung - Hàn đối với nhóm đảo Socotra.

Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc do vậy cần phải đảm bảo lại với Trung Quốc rằng căn cứ này chỉ nhằm mục đích phòng vệ, và có bước đi cẩn trọng nếu như quyết định đàm phán với Mỹ. Ngoài việc tăng cường ngoại giao của Hàn Quốc, Bắc Kinh, Seoul và Washington có thể muốn gộp căn cứ Jeju vào các cuộc đối thoại ba bên trong tương lai.

Như một nhà hoạt động vì hòa bình lâu năm Joseph Gerson lập luận, mục đích nên là tìm kiếm 'an ninh chung' giữa các bên ở Đông Á chứ không nên theo đuổi 'cách giải quyết theo kiểu một mất một còn đối với các cuộc xung đột trong khu vực'.

Lê Thu (theo Diplomat)