Ủy ban phụ trách cuộc khủng hoảng Libya thuộc Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi “dừng lại lập tức” mọi cuộc tấn công sau khi Mỹ, Pháp và Anh bắt đầu hành động quân sự chống lại lực lượng của lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi.
Thành phố
Benghazi bị bắn phá nặng nề (Ảnh: BBC)
Sau cuộc họp kéo dài tại Thủ đô Nouakchott của Mauritania, ủy ban cũng yêu cầu chính quyền Libya đảm bảo “hỗ trợ nhân đạo cần thiết” cũng như “bảo vệ người nước ngoài, trong đó có người châu Phi sống ở Libya”, khẳng định “cần thiết cải tổ chính trị để xóa bỏ những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại” nhưng cùng lúc đó cũng kêu gọi sự “kiềm chế” từ cộng đồng quốc tế để tránh “những hậu quả nghiêm trọng”.
Uỷ ban AU cũng thông báo một cuộc họp tại Thủ đô Addis Ababa của Libya vào ngày 25/3 với đại diện từ Liên đoàn Ảrập, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, EU và LHQ để “đưa ra một cơ chế cho tham vấn và hành động cụ thể” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Libya.
Uỷ ban AU về Libya bao gồm các nhà lãnh đạo của năm nước châu Phi. Nhưng cuộc họp tại Nouakchott chỉ có sự tham dự của các tổng thống Mauritania, Mali và Congo. Nam Phi và Uganda cử bộ trưởng tham gia. Uỷ ban cho hay, họ không thể có được sự chấp thuận quốc tế để tới thăm Tripoli hôm nay nhưng không cho biết chi tiết gì thêm.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho hay, Nga lấy làm tiếc về sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya.
Lukashevich cũng cho rằng, hành động quân sự chống lại Libya là dựa tên một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được “thông qua vội vã”.
"Tại Moscow, chúng tôi lấy làm tiếc về hành động vũ trang này trong một nghị quyết được thông qua vội vã”, tuyên bố nhấn mạnh. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép việc sử dụng vũ lực và áp đặt vùng cấm bay tại Libya.
Sau khi lực lượng của một số nước phương Tây bắt đầu tấn công trên không và trên biển nhằm vào quân đội của ông Muammar Gaddafi hôm nay, bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nước này mong muốn khôi phục ổn định tại Libya sớm nhất có thể.
Lấy làm tiếc về hành động quân sự chống lại Libya, bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, họ hy vọng xung đột sẽ không leo thang và làm tổn thất thêm sinh mạng của dân thường.
Trong khi đó, chính phủ liên bang Australia hôm nay đã cảnh báo, sự can thiệp của quân đội quốc tế vào Libya sẽ phức tạp và rất khó khăn. Trong động thái đầu tiên nhằm thực thi nghị quyết LHQ, các lực lượng Mỹ và Anh đã sử dụng tên lửa Tomahawk chống lại hệ thống phòng không của quân đội Libya.
Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd nhấn mạnh, đây là giai đoạn đầu tiên trong cái gọi là chiến dịch “nhiều giai đoạn” để bảo vệ quân nổi dậy Libya. Ông cho rằng, sự can thiệp sẽ khá nguy hiểm với lực lượng liên quân.
Thủ tướng Australia Julia Gillard thì khẳng định: "Đây là hành động quân sự phạm vi lớn để cố gắng và bảo vệ người dân Libya”, bà nói với Sky News.
Trước đó, ngay sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết cho phép can thiệp và áp đặt vùng cấm bay tại Libya, đã có những sự bất đồng lớn trong cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia châu Âu lên tiếng ủng hộ vùng cấm bay để ngăn chặn quân đội chính phủ Libya tấn công quân nổi dậy. Tuy nhiên, Đức từ chối liên quan tới bất kỳ hành động quân sự nào. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng bắn lập tức và cho biết họ phản đối sự can thiệp của nước ngoài.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle, tuyên bố, nước ông phản đối mạnh mẽ việc không kích chống lại lực lượng của lãnh đạo Libya Gaddafi cũng như bất kỳ sự can thiệp quân sự nào khác ở nước này. Ông cảnh báo, hậu quả của sự can thiệp quân sự phương Tây vào Libya là “không thể dự báo và có thể ảnh hưởng tới cả phong trào tự do tại thế giới Ảrập.
Nga cũng bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của LHQ, và quan ngại về một cuộc chiến đang mở rộng. Sự tham dự của các nước Ảrập trong chiến dịch quân sự chống lại Libya cũng không rõ ràng. Qatar và các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất đang xem xét khả năng hỗ trợ chính phủ Mỹ và Pháp tại Libya nhưng một số nước vùng Vịnh lại tỏ ra miễn cưỡng trong vấn đề này.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố hành động quân sự nhằm vào Libya để chiếm giữ trữ lượng dầu của quốc gia Bắc Phi này. "Họ muốn lấy dầu của Libya và họ không quan tâm gì tới cuộc sống của người dân Libya". Ông Chavez phát biểu trên truyền hình như vậy.
-
Nguyễn Huy (tổng hợp)