Nhật có thể bắt đầu tính đến khả năng tấn công quân sự trước trong kế hoạch cập nhật chính sách quốc phòng cơ bản, động thái mới nhất rời xa sự kiềm chế của hiến pháp hòa bình. 

{keywords}

Đề xuất được mong đợi trên, có thể làm dấy lên hồi chuông báo động ở Trung Quốc, là một phần trong kế hoạch xét lại chính sách quốc phòng Nhật do chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành. Một báo cáo tạm thời về thông tin này sẽ được công bố vào ngày mai (26/7). Kết luận cuối cùng của việc xem xét sẽ có vào cuối năm nay.

Ông Abe nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ II vào tháng 12 năm ngoái, đã cam kết nâng cao sức mạnh quân sự để đương đầu với những gì mà Nhật coi là mối đe dọa ngày càng tăng với môi trường an ninh, gồm cả một Trung Quốc đầy quả quyết và Triều Tiên khó đoán.

Điều 9 trong Hiến pháp Nhật ghi rõ nước này từ bỏ quyền phát động chiến tranh và nếu hiểu theo nghĩa đen thì nước này phủ nhận khái niệm về một quân đội thường trực. Trên thực tế, lực lượng phòng vệ Nhật là một trong những nước có quân đội mạnh nhất ở châu Á. Hiến pháp Nhật do lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo sau khi nước này bị đánh bại trong Thế chiến II.

Bộ Quốc phòng Nhật sẽ ra một báo cáo tạm thời về nghiên cứu để "làm thế nào để tăng cường khả năng ngăn chặn và đáp trả tên lửa đạn đạo", báo Yomiuri và nhiều báo khác của Nhật hôm nay cho biết. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu của nhạy cảm, báo cáo trên không đề cập cụ thể tới khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù khi Nhật đối mặt với mối đe dọa tấn công hiển hiện".

Bộ Quốc phòng Nhật cũng cân nhắc khả năng mua máy bay do thám không người lái và thiết lập một lực lượng lính thủy đánh bộ để bảo vệ các đảo xa xôi, như những đảo vốn là tâm điểm trong tranh chấp với Trung Quốc.

"Việc khôi phục khả năng tấn công sẽ là một thay đổi cơ bản trong chính sách quốc phòng của chúng tôi, một dạng thay đổi can đảm", Marushige Michishita, giáo sư ở Viện nghiên cứu chính sách cho hay.

Tỷ lệ ủng hộ đối với một quân đội mạnh hơn đã tăng cao ở Nhật do những lo ngại về Trung Quốc. Trong nhiều thập niên gần đây, Nhật đã kéo căng giới hạn của Điều 9 và từng nói có quyền tấn công căn cứ của kẻ thù ở nước ngoài khi kẻ thù có ý định tấn công Nhật và khi nước này không có lựa chọn phòng vệ nào khác.

Nhật hiện có khả năng tấn công hạn chế với các máy bay chiến đấu F-2 và F-15, máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Nếu muốn tấn công được các thiết bị phóng tên lửa di động ở Triều Tiên, nước này sẽ phải cần nhiều máy bay tấn công hơn nữa. Ngoài ra, nếu muốn tấn công được các căn cứ tên lửa ở Trung Quốc đại lục, nước này cần có tên lửa liên lục địa, các chuyên gia cho hay.

  • Hoài Linh (Theo Reuters)