Phe đối lập ở Syria cáo buộc các lực lượng chính phủ đã dùng khí độc giết
chết hàng trăm người sớm ngày 21/8 khi bắn rocket nhả khói chết người vào các
vùng ngoại ô do quân nổi dậy kiểm soát ở thủ đô Damascus.
TIN BÀI KHÁC:
Những người được cho là chết vì khí độc ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus.
Theo cáo buộc, những người thiệt mạng gồm nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ. Họ tử vong
khi còn đang ngủ.
Những hình ảnh - bao gồm một số ảnh do các phóng viên tự do cung cấp cho hãng tin Reuters - cho thấy hàng chục thi thể nằm trên sàn một bệnh viện mà không có dấu hiệu bị thương. Một số người đầy bọt quanh miệng.
Các nhà hoạt động đối lập khẳng định số người chết vào khoảng 500 tới 1.300
sau khi đạn cối và rocket rơi xuống lúc 3h sáng (giờ GMT).
Những người được cho là bị ngạt khí gas ở ngoại ô Damascus.
Một người đàn ông tự nhận đã phát hiện các nạn nhân ở vùng ngoại ô Erbin kể lại: "Chúng tôi đi vào một ngôi nhà và mọi thứ vẫn ở nguyên chỗ cũ. Mọi người vẫn ở nguyên chỗ. Họ đang nằm ở nơi họ đã nằm. Họ nhìn như là đang ngủ vậy".
Các bác sĩ được phỏng vấn đã mô tả những triệu chứng mà họ tin là do khí
sarin gây ra. Khí này là một trong những chất mà phương Tây cáo buộc chính phủ
Syria sở hữu trong một kho vũ khí hóa học bí mật ở nước này.
Một bé trai thoát chết khỏi vụ tấn công được cho là dùng khí sarin đang khóc tại một thánh đường ở ngoại ô Damacus.
Với tổng số người chết ước tính vào khoảng 500 đến 1.300, những gì dường như là vụ tấn công vũ khí hóa học kinh khủng nhất trên thế giới kể từ thập niên 1980 đã khiến Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc nhóm họp khẩn ở New York.
Tại cuộc họp, Hội đồng không yêu cầu mở một cuộc điều tra vào vụ việc song tuyên bố "sự minh bạch" là cần thiết. Các đại biểu cũng hoan nghênh kêu gọi của Tổng thư ký Ban Ki-moon về một cuộc điều tra ngay lập tức của nhóm thanh sát Liên Hợp Quốc đang có mặt ở Syria.
Một thông điệp trước đó do phương Tây soạn thảo và trình lên HĐBA đã không
được thông qua. Theo các nhà ngoại giao, văn bản cuối cùng đã được giảm nhẹ do
những phản đối từ phía Nga và Trung Quốc. Trước đó, Moscow và Bắc Kinh đã phủ
quyết nhiều nỗ lực của phương Tây đòi áp đặt các đòn trừng phạt lên Tổng thống
Syria Bashar al-Asssad.
Các nạn nhân đang được cứu chữa.
Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Zoabi tuyên bố những cáo buộc của phe đối lập là
"phi lí và bịa đặt". Các quan chức dưới quyền ông Assad cũng khẳng định họ chưa
bao giờ dùng khí độc chống lại người Syria.
Mỹ và các đồng minh châu Âu tin rằng quân đội của Tổng thống Syria từng sử dụng nhiều liều nhỏ sarin trước kia, vì vậy mới có chuyến thị sát hiện thời của nhóm điều tra Liên Hợp Quốc.
Hành động tức thời của cộng đồng quôc tế nhiều khả năng sẽ chỉ có giới hạn do những chia rẽ giữa các cường quốc. Cũng chính vì sự bất đồng đó mà mọi nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 2 năm rưỡi qua ở Syria đều tê liệt.
Nga bênh vực chính phủ Syria khi bình luận rằng cáo buộc mới dường như là một sự khiêu khích của phe nổi dậy nhằm làm mất uy tín của Tổng thống Assad. Trong khi đó, Anh lên tiếng với một quan điểm ngược lại. "Tôi hy vọng điều này sẽ làm thức tỉnh một số người ủng hộ chế độ Assad để họ nhận ra bản chất giết người và dã man của nó", Ngoại trưởng Anh William Hague nói trong một chuyến thăm tới Paris.
Pháp, Anh, Mỹ và một số nước khác kêu gọi các thanh sát viên vũ khí hóa học
của Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra ngay lập tức tại hiện trường.
Thanh Hảo (Tổng hợp)