Mỹ và các nước đồng minh đang cân nhắc tấn công quân sự vào các địa điểm ở Syria. Vậy, nước nào ủng hộ hay phản đối hành động này.

 

{keywords} 

Các nước láng giềng của Syria

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad mạnh nhất ngay từ đầu cuộc nổi dậy. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, nước này sẵn sàng tham gia liên minh quốc tế để chống lại Syria ngay cả khi không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ả rập Xê út và vùng Vịnh

Các nước quân chủ ở vùng Vịnh giữ vai trò chủ chốt trong việc cấp tiền và hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy chống lại nhóm quân trung thành với Tổng thống Assad.

Ả rập Xê út là một đối thủ của chính phủ Syria từ nhiều năm và đặc biệt tích cực trong việc thúc đẩy một hành động chống ông Assad.

Vài tuần gần đây, cựu đại sứ Ả rập Xê út tại Washington là Hoàng thân Bandar bin Sultan đang tích cực thu thập thêm sự ủng hộ của quốc tế cho quân nổi dậy Syria.

Israel

Dù ban đầu tránh dính líu vào cuộc xung đột, song Israel đã tiến hành ba cuộc tấn công vào các mục tiêu Syria trong năm nay, nhằm ngăn các chuyến hàng vũ khí tới được tay lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Syria.

Đạn và pháo từ Syria cũng bắn về phía Cao nguyên Golan ở khu vực Israel chiếm đóng. Israel cũng bắn trả.

Gần đây, giới chức Israel lên án lực lượng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và tỏ ý ủng hộ một hành động quân sự. "Ngón tay của chúng tôi phải luôn ở trên cò súng. Chúng tôi là một ngón tay có trách nhiệm và nếu cần, nó sẽ ở thế khai hỏa", Thủ tướng Israeli Benjamin Netanyahu nói.

Tuy nhiên, quan chức Israel cũng biết rằng bất kỳ một hành động chống Syria nào của phương tây cũng có nguy cơ lặp lại những sự kiện từng xảy ra trong cuộc chiến vùng Vịnh đầu tiên vào năm 1991 khi Iraq tấn công Tel Aviv bằng tên lửa Scud nhằm lôi Israel vào cuộc và buộc các nước Ả rập rút khỏi cuộc chiến.

Lebanon

Ngoại trưởng Lebanon Adnan Mansour cho biết, ông không ủng hộ ý tưởng tấn công Syria. "Tôi cho rằng hành động đó không vì hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng".

Jordan

Bộ trưởng Thông tin Jordan là Mohammad Momani nói, Jordan sẽ không là bệ phóng cho bất cứ hành động quân sự nào chống Syria. "Jordan tái lặp kêu gọi một giải pháp chính trị tại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để đạt được một giải pháp. Lực lượng vũ trang Jordan có khả năng bảo vệ đất nước".

Các quan chức quân sự cấp cao từ phương Tây và Trung Đông đã gặp nhau tại Jordan để thảo luận về viễn cảnh can thiệp quân sự. Jordan hiện là nơi trú ẩn của nửa triệu người tị nạn Syria.

Iran

Iran là nước ủng hộ Syria chủ chốt trong vùng từ trước cuộc xung đột hiện nay. Nước này chỉ trích mạnh ý định can thiệp quân sự vào Syria.

Iran đã cảnh báo một quan chức LHQ hàng đầu tới thăm Tehran về "hậu quả nghiêm trọng" của bất kỳ hành động quân sự nào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araqchi luôn nói rằng, trên thực tế, quân nổi dậy đã dùng vũ khí hóa học chứ không phải quân chính phủ Syria.

Iraq

Iraq không chỉ trích Syria như một số quốc gia Ả rập khác. Iraq lo ngại những tác động phát sinh từ sự leo thang trong cuộc chiến của Syria đối với bạo lực sắc tộc.

"Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động quân sự nào, chúng tôi hy vọng về một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng", Ali al-Musawi, cố vấn truyền thông của Thủ tướng Nuri al-Maliki nói.

Ai Cập

Vào tháng 6, Tổng thống Ai Cập khi đó là Mohammed Morsi đã cắt quan hệ với Syria và kêu gọi thiết lập khu vực cấm bay.

Tuy nhiên, sau khi ông Morsi bị lật đổ, chính quyền mới giữ lập trường cẩn trọng hơn. Ngoại trưởng lâm thời Nabil Fahmy nói: "không có giải pháp quân sự cho khủng hoảng Syria, và giải pháp chỉ có thể là một giải pháp chính trị".

Ngoài khu vực

Mỹ

Tiếp sau một phản ứng thận trọng với những báo cáo ban đầu về một cuộc tấn công vũ khí hóa học, lời lẽ của Mỹ đã mạnh hơn. Ngoại trưởng John Kerry nói, việc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học là không thể chối cãi

Washington gần đây đã đẩy mạnh sự hiện diện của hải quân ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, làm dấy lên đồn đoán về việc nước này đang chuẩn bị tấn công Syria.

Giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ dùng tên lửa hành trình phóng từ biển để tấn công các địa điểm quân sự Syria.

Anh

Anh đang vạch kế hoạch cho một hành động quân sự, văn phòng Thủ tướng David Cameron cho biết.

Pháp

Một ngày sau khi có các báo cáo về cuộc tấn công diễn ra ở gần Damascus, Ngoại trưởng Laurent Fabius kêu gọi "phản ứng bằng vũ lực" nếu việc sử dụng vũ khí hóa học được chứng minh. Quan chức này nói, có thể phớt lờ Hội đồng Bảo an trong một số trường hợp nhất định.

Pháp là quốc gia phương Tây "diều hâu" nhất khi dính tới Syria. Pháp là cường quốc phương Tây đầu tiên công nhận liên minh đối lập chính ở Syria là đại diện chính thức của người dân nước này.

Nga

Nga là một trong những quốc gia hậu thuẫn Tổng thống Assad mạnh nhất và nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Nga chỉ trích mạnh mẽ dự định tấn công Syria của phương Tây và khẳng định, bất cứ hành động nào được thực hiện mà không có sự phê chuẩn của HĐBA báo trước hậu quả thảm khốc với các quốc gia khác tại Trung Đông và Bắc Phi.

Trung Quốc

Trung Quốc cùng với Nga đã chặn nghị quyết chỉ trích Syria tại Hội đồng Bảo an. Trung Quốc cũng chỉ trích viễn cảnh tấn công Syria.

  • Hoài Linh (Theo BBC)