- Xung đột leo thang tại Syria những ngày qua đã khiến nhiều người cho tin rằng một cuộc chiến tranh trên diện rộng bùng nổ tại quốc gia này chỉ còn là vấn đề thời gian.

TIN BÀI LIÊN QUAN

  {keywords}
Xe tăng xuất hiện khắp các con phố tại Syria. Ảnh: RIA

Với những ‘mệnh lệnh đạo đức’ về cuộc chiến mà Mỹ phải can thiệp, Tổng thống Obama đang tìm cách thuyết phục Quốc hội cũng như người dân không chỉ ở Mỹ rằng: cần phải ra tay để cứu giúp những người dân lầm than, phải chặn đứng các tội ác mà chính quyền Syria gây nên suốt hơn hai năm qua, phải ngăn làn sóng bạo lực để bảo toàn an ninh cho cả khu vực Trung Đông. 

Tính đến nay, hơn 100.000 người đã thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, và hơn 2 triệu người tha hương tị nạn ở nước ngoài vì bạo lực lan rộng ở Syria. 

Giới hạn hành động mà ông Obama đặt ra chính là việc có thông tin tình báo từ nguồn của Mỹ cho thấy quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Tổng thống Mỹ gọi đó là ‘vạch đỏ’. Kỳ lạ thay, ‘vạch đỏ’ đấy lại không phải do cơ quan đáng ra có tiếng nói nhất thế giới là Liên Hợp Quốc, mà nòng cốt là Hội đồng Bảo an, đưa ra.  

Đó mới là một ‘nguồn tin bí mật’ chưa được kiểm chứng. Nhưng, dựa trên nguồn tin mà phần còn lại của cả thế giới không hay biết đó mà một vị tổng thống nước này chủ trương đơn phương đem quân đi tấn công nước khác. Bất chấp thực tế rằng ông (Obama) từng tốt nghiệp ngành luật ở trường đại học danh tiếng nhất nhì thế giới, từng giảng dạy luật, và hiểu rõ rằng hành động ông đang theo đuổi là đi ngược lại luật pháp quốc tế. 

Trong khi bóng đen chiến tranh đang phủ bóng lên cả khu vực Trung Đông, các tàu chiến của Mỹ và các quốc gia đồng minh, các chiến hạm Nga rợp biển Địa Trung Hải, có những câu hỏi liên quan tới cuộc chiến này vẫn chưa và hầu như không thể sáng tỏ.   

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ nói rằng ý định tấn công Syria là do Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân trong vụ tấn công 21/8 vừa qua. Nhưng trên thực tế, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra kết quả phân tích chính xác. Và những đoạn clip gần đây được công bố cho thấy chính lực lượng nổi dậy cũng có vũ khí hóa học và cũng đã sử dụng loại khí độc bị cấm này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình luận rằng lập luận của Washington rất ‘nực cười và vô lý’. Theo logic của ông Putin và đồng minh Assad, ‘quân ta’ không dại gì mà tự bắn cả vũ khí hóa học vào ‘quân mình’ để gia tăng thêm con số thương vong trong vụ tấn công 21/8. 

Điều này càng kỳ khôi hơn khi Mỹ và phương Tây cố tình bỏ qua số vũ khí hóa học đang nằm trong tay lực lượng đối lập. Lẽ ra, Mỹ phải là người hiểu rõ mối nguy từ số vũ khí này hơn ai hết. 

Thêm nữa, một báo cáo của Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Mỹ từng đề cập sự hiện diện của al-Quaeda ở Syria là một mối đe dọa khủng bố. Thậm chí, ủy ban này còn cảnh báo rằng nhóm này có sở hữu vũ khí hóa học. Và một thực tế mà ai cũng rõ là lực lượng này đang mạnh nhất trong phe đối lập ở Syria. 

Thứ hai, Mỹ tuyên bố vũ trang cho lực lượng đối lập ‘ôn hòa’ ở Syria hôm 13/6/2013. Nhưng ở quốc gia đang bị chia cắt tan nát này, việc cung cấp thêm súng ống, đạn dược có đem lại một kết quả nào đó khiến cho hòa bình sớm được lập lại? 

Nội trong Syria lúc này có tới 1.200 nhóm nổi dậy. Ai sẽ là người kiểm soát số vũ khí mà các nhóm này đang có? Dù số vũ khí mà các nhóm này được trang bị là hạng nhẹ, không đủ khả năng lật đổ chính quyền Assad, nhưng hiểm họa để lại khôn lường. 

Bản thân trong phe đối lập cũng đầy mâu thuẫn và bất đồng cho dù mục tiêu chung là lật đổ chính quyền. Thậm chí, các cuộc thanh trừng, giành giật, đụng độ giữa phe thế tục và Hồi giáo cực đoan trong lực lượng nổi dậy đã mang lại lợi ích cho Tổng thống Assad.  

Quân đội của chính phủ đã tranh thủ kiểm soát được nhiều khu vực trọng yếu hơn. Ngược lại, Quân đội Syria Tự do (FSA) thuộc phe đối lập ‘ôn hòa’ lại gặp nhiều thiệt hại về nhân lực cũng như vũ khí, đạn dược, mất đất vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan.  

Ban đầu, Mỹ và phương Tây lên tiếng ủng hộ và công nhận phe đối lập ở Syria chống lại chính quyền Damascus. Nhưng chiến trường Syria giờ đây đã xôm tụ các ‘vị khách không mời’.  

Đó là các chiến binh do nhóm Hezbolah, Iran cử tới trợ chiến cho đồng minh Assad. Đó là các lực lượng đánh thuê ở tứ xứ kéo đến và gia nhập vào hàng ngũ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhưng đáng sợ hơn cả là với các cánh khủng bố, Syria lúc này chính là ‘thiên đường’.  

Giới chức phương Tây ghi nhận rằng các lực lượng cực đoan ở Syria đang tranh thủ ‘đục nước béo cò’ tại đây, sau đó sẽ thực hiện mưu đồ tấn công trở lại các nước phương Tây. Điều nguy hại hơn nữa là những phần tử cực đoan tại các quốc gia như ở Mỹ, châu Âu đã lên đường tới Syria ‘công tác’. Sau khi hoàn thành sứ mệnh ở Syria, các phần tử này sẽ hồi hương để tiếp tục ‘cống hiến’.   

Như vậy, cuộc nội chiến của Syria lúc này không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia này nữa, mà theo các nhà phân tích, hầu như sẽ có xu hướng trở thành một cuộc xung đột ở xung quanh Syria. 

Lê Thu  

(Còn nữa…)