Trong khi Tổng thống Obama buộc phải đăng đàn thuyết phục người dân Mỹ về kế hoạch không kích Syria, Tổng thống Nga Vladmir Putin đã có một động thái bất ngờ, đó là trực tiếp gửi tới người dân Mỹ lời 'khẩn cầu hãy thận trọng' trước khi quyết định tấn công Syria.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

Tờ New York Times đã đăng tải nội dung bài viết. Dưới đây là những gì mà Tổng thống Nga Putin muốn nói với người dân Mỹ khi cân nhắc quyết định tấn công Syria hay không.

Những sự kiện gần đây xung quanh vấn đề Syria đã buộc tôi phải lên tiếng trực tiếp với người dân Mỹ và các lãnh đạo chính trị của họ. Việc làm này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay khi truyền thông giữa hai xã hội của chúng ta đang có nhiều thiếu sót.

Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chúng ta đã đối đầu với nhau trong cuộc chiến tranh Lạnh. Nhưng chúng ta cũng từng là đồng minh, và cùng nhau đánh bại quân Phát xít. Tổ chức quốc tế toàn cầu là Liên Hợp Quốc sau đó đã được thiết lập cũng là vì muốn ngăn sự tàn phá này xảy ra lần nữa.

Những người sáng lập nên Liên Hợp Quốc hiểu rằng các quyết định ảnh hưởng đến chiến tranh và hòa bình chỉ có thể được đưa ra từ sự đồng thuận, và Mỹ cũng đồng ý rằng quyền phủ quyết của các thành viên Hội đồng Bảo an được ghi nhận trong Hiến chương LHQ. Sự minh triết này đã giúp củng cố quan hệ quốc tế bền vững trong nhiều thập kỷ.

Không ai muốn Liên Hợp Quốc phải chịu chung số phận như Hội Quốc Liên – tổ chức từng sụp đổ chỉ vì thiếu quyền lực thực tế. Điều này vẫn có thể xảy ra nếu như các quốc gia có tầm ảnh hưởng qua mặt Liên Hợp Quốc và tự ý hành động quân sự mà không được sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an.

Cuộc không kích mà Mỹ có thể tiến hành nhằm vào Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều quốc gia và nhiều lãnh đạo chính trị tôn giáo then chốt, trong đó có Giáo hoàng, sẽ chỉ khiến có thêm nhiều nạn nhân vô tội, và sự leo thang có thể còn khiến xung đột vượt xa ngoài biên giới Syria.

Một cuộc không kích có thể khiến bạo lực gia tăng và giải phóng một làn sóng chủ nghĩa khủng bố mới. Nó có thể phá hủy các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và xung đột Israel – Palestine và làm Trung Đông, bắc Phi bất ổn thêm nữa. Nó cũng xô đổ toàn bộ hệ thống luật quốc tế và trật tự quốc tế khỏi tình trạng cân bằng.

Không phải là Syria đang trải qua một cuộc chiến vì dân chủ, mà là một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ và phe đối lập trong một quốc gia đa tôn giáo. Ở Syria có rất ít người đấu tranh vì dân chủ. Nhưng lại có quá đủ tay súng của al Qaeda và mọi loại Hồi giáo cực đoan đang chống lại chính quyền. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ rõ rằng Mặt trận Al Nursa và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Al Sham (tên gọi cũ của Syria) - đang giao tranh với phe đối lập - chính là những tổ chức khủng bố. Cuộc xung đột được thổi bùng lên bởi các loại vũ khí nước ngoài cung cấp cho phe đối lập chính là một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất thế giới.

Một trong những mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi chính là những kẻ đánh thuê ở các quốc gia Ả Rập, và hàng phiến quân từ các quốc gia phương Tây và thậm chí đến từ Nga cũng tới đây tham chiến. Liệu họ có trở về đất nước của chúng ta sau khi có đầy đủ kinh nghiệm thu được từ Syria? Rốt cuộc, sau khi chiến đấu ở Libya, những kẻ cực đoan lại di chuyển sang Mali. Điều này đe dọa tới tất cả chúng ta.

Ngay từ lúc đầu, Nga đã ủng hộ đối thoại hòa bình để cho Syria phát triển một kế hoạch hứa hẹn cho tương lai của riêng họ. Chúng tôi không bảo vệ chính quyền Syria, mà là bảo vệ luật quốc tế. Chúng tôi cần tới HĐBA LHQ và tin tưởng rằng việc bảo toàn luật pháp và trật tự trong một thế giới phức tạp và hỗn loạn như hiện nay chính là một trong rất ít cách để giữ quan hệ quốc tế không rơi vào hỗn loạn.

Luật vẫn là luật và chúng ta phải tuân thủ dù cho có thích hay không. Chiểu theo luật quốc tế hiện hành, sử dụng vũ lực chỉ được phép khi mục đích của hành động là tự vệ hoặc do HĐBA ra quyết định. Những thứ khác đều không được chấp nhận trong Hiến chương LHQ và có thể gây nên hành động gây hấn.

Không ai nghi ngờ việc khí độc được sử dụng ở Syria. Nhưng mọi lý do đều cho thấy rằng quân đội Syria không sử dụng loại khí độc này, mà là các lực lượng đối lập, nhằm khiến các nhà ‘bảo trợ’ nước ngoài hùng mạnh can thiệp vào tình hình. Không ai có thể phớt lờ thông tin về việc phe đối lập đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác, lần này là nhằm vào Israel.

Điều đáng báo động là can thiệp quân sự vào các cuộc nội chiến ở các quốc gia nước ngoài đã trở thành chuyện quá quen thuộc với Hoa Kỳ. Liệu điều này có nằm trong lợi ích lâu dài của Mỹ hay không? Tôi không tin. Hàng triệu người trên khắp thế giới ngày càng không coi Mỹ là mẫu hình về dân chủ mà là một quốc gia chỉ phụ thuộc vào vũ lực tàn bạo, lập nên các liên minh dưới khẩu hiệu "về phe tôi chúng tôi hay là chống lại chúng tôi”.

Nhưng vũ lực cũng được chứng minh là không hiệu quả và vô dụng. Afghanistan vẫn đang quay cuồng, và không ai có thể nói điều gì sẽ xảy ra nếu như các lực lượng quốc tế rút đi. Libya thì đang bị chia cắt thành các bộ tộc và phe phái. Tại Iraq, cuộc nội chiến vẫn còn kéo dài, và hàng chục người thiệt mạng mỗi ngày. Tại Mỹ, nhiều người nhìn thấy sự tương đồng giữa Iraq và Syria, và hỏi tại sao chính phủ của họ lại muốn lặp lại các sai lầm gần đây.

Bất kể các cuộc không kích tấn công ra sao, các vũ khí tinh vi tới mức nào, thương vong của dân thường là điều không thể tránh khỏi, trong đó có người già, trẻ nhỏ - những đối tượng mà đáng ra cuộc không kích phải bảo vệ.

Thế giới phản ứng lại bằng câu hỏi: nếu như anh không thể trông cậy vào luật quốc tế, thì sau đó anh phải tự tìm cách bảo vệ mình. Do đó, càng nhiều quốc gia tìm cách mua vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này rất hợp lý ở chỗ: nếu anh có bom, thì không ai dám đụng vào anh. Chúng ta còn cần phải đối thoại về việc củng cố việc không phổ biến (vũ khí giết người hàng loạt) nhưng trong thực tế thì điều này lại đang bị xói mòn.

Chúng ta phải chấm dứt việc sử dụng ngôn ngữ của vũ lực và trở lại với lộ trình ngoại giao văn minh và ổn định chính trị.

Vài ngày qua, một cơ hội mới được ló rạng để tránh hành động quân sự. Mỹ, Nga và tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế phải tranh thủ sự sẵn sàng của chính phủ Syria để đặt các kho vũ khí hóa học của họ dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Theo đánh giá từ phát ngôn của Tổng thống Obama, Mỹ coi đây là một phương án khác, ngoài hành động quân sự.

Tôi hoan nghênh sự quan tâm của Tổng thống (Obama) trong việc tiếp tục đối thoại với Nga về Syria. Chúng ta phải cùng làm việc với nhau để duy trì hy vọng này như chúng ta đã từng nhất trí tại hội nghị G-8 ở Lough Erne, Bắc Ireland hồi tháng Sáu, và lái việc thảo luận trở lại theo hướng đàm phán.

Nếu chúng ta có thể tránh được vũ lực trong vấn đề Syria, điều này sẽ giúp cải thiện bầu không khí quan hệ quốc tế và củng cố niềm tin giữa các bên. Đó sẽ là thắng lợi chung của chúng ta và mở cửa cho việc hợp tác trong các vấn đề then chốt khác.

Quá trình làm việc cũng như quan hệ cá nhân giữa tôi với Tổng thống Obama được ghi dấu nhờ sự tin tưởng ngày càng tăng. Tôi đánh giá cao điều đó. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ bài phát biểu của ông (Obama) trước người dân Mỹ vào hôm thứ Ba. Và tôi đúng là không đồng tình với cách ông thuyết phục về Chủ nghĩa Ngoại lệ Mỹ, khi tuyên bố rằng chính sách của Mỹ là ‘những gì khiến nước Mỹ trở nên khác biệt. Đó là những gì khiến chúng ta là ngoại lệ’.

Điều này là cực kỳ nguy hiểm khi khuyến khích người dân tự coi mình là ngoại lệ, cho dù động cơ là gì. Trên thế giới có nước lớn và có nước nhỏ, có nước giàu, có nước nghèo, nước có truyền thống dân chủ lâu đời và nước vẫn đang tìm cách đi tới dân chủ. Các chính sách của họ cũng khác biệt. Chúng ta tất cả đều không giống nhau, nhưng khi chúng ta cầu Chúa phù hộ, thì cũng đừng quên rằng Đấng tạo hóa đã sinh thành chúng ta bình đẳng như nhau.

Lê Thu (theo NYT)