- Campuchia siết chặt an ninh tại trung tâm thủ đô và khu vực Hoàng cung; Syria sẽ gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học trong tháng 10 tới... là những tin nóng.

Nổi bật

Chiều 15/9, Hoàng cung và toàn bộ khu vực trung tâm thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã được cảnh sát phong tỏa, sau khi cuộc biểu tình quy mô lớn của đảng đối lập Cứu nguy dân tộc (CNRP) diễn ra cùng ngày vượt quá các quy định của bộ nội vụ nước này.

Trước đó, sáng 15/9, khoảng 20.000 người ủng hộ đảng CNRP đổ ra các con đường ở thủ đô Phnom Penh nhằm biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội. Những người biểu tình cùng nhau tuần hành khoảng 10km, bất chấp việc bộ nội vụ không cho phép.

{keywords}

Biểu tình tại Campuchia

Theo Tân Hoa xã, chiều 15/9, cảnh sát Campuchia đã phải bắn hơi cay và phun vòi rồng, giải tán hàng trăm người biểu tình gần cung điện Hoàng gia, khi họ cố dỡ bỏ hàng rào chắn bằng dây thép gai, để diễu hành qua một con phố phía trước của cung điện Hoàng gia.

Mục đích của cuộc biểu tình là gây sức ép lên các cơ quan chức năng, đòi lập ủy ban điều tra độc lập về cuộc bầu cử quốc hội ngày 28/7. Theo đó, CNRP tiếp tục phủ nhận kết quả được ủy ban bầu cử quốc gia, hội đồng hiến pháp Campuchia thông qua hôm 8/9.

CNRP cho rằng, họ mới là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Phát biểu hôm 15/9, Chủ tịch CNRP Sam Rainsy cho biết, phe đối lập sẽ tổ chức biểu tình ở thủ đô trong ba ngày (15-17/9) và cả trong thời gian tới, nếu yêu sách của họ không được đáp ứng.

Đáng chú ý là cuộc biểu tình hôm 15/9 diễn ra chỉ một ngày sau cuộc họp giữa đại diện đảng này với đại diện của đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Tại cuộc họp, Quốc vương Norodom Sihamoni đã kêu gọi hai đảng cùng hợp tác vì quyền lợi tối thượng của đất nước.

Kết thúc cuộc họp, đảng Nhân dân Campuchia ra tuyên bố tôn trọng ý chỉ của Quốc vương và nghị sỹ của đảng sẽ dự phiên họp quốc hội khóa 5 đầu tiên. Trong khi các nghị sĩ CNRP lại tuyên bố với danh nghĩa cá nhân rằng sẽ không đến tham dự cuộc họp này.

Tin vắn

- Ngày 15/9, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên đến 5.000 km.

- Ngày 15/9, Nhật Bản chính thức cho ngừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn vận hành, nhằm phục vụ cho đợt kiểm tra định kỳ.

- Lũ lụt đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng (gồm một bé gái 9 tuổi) và hàng nghìn người phải sơ tán khỏi vùng Galati tại miền Đông Romania.

- Làn sóng bạo lực xảy ra trên khắp đất nước Iraq trong ngày 15/9 đã cướp đi sinh mạng của 26 người và làm hơn 90 người khác bị thương.

- Thủ tướng Đức Angela Merkel hoan nghênh thỏa thuận mới giữa Nga và Mỹ, cho rằng nó mang đến tia hi vọng cho khủng hoảng tại Syria.

- Hàng nghìn người dân Indonesia đã phải sơ tán sau khi một ngọn núi lửa trên đảo Sumatra bất ngờ phun tro và đá nóng vào sáng ngày 15/9.

- Ngày 15/9, các quan chức Afghanistan cho biết, đã xảy ra vụ sập hầm lò tại một tỉnh miền bắc nước này, làm ít nhất 27 thợ mỏ thiệt mạng.

- Một du thuyền hạng sang cỡ lớn của Trung Quốc đã bị tạm giữ ở một bến cảng Hàn Quốc vì vướng phải các tranh chấp pháp lý, theo BBC.

- Theo hãng tin bán chính thức ISNA ngày 15/9, Iran và Liên hợp quốc đã ký thỏa thuận về hỗ trợ nhân đạo ở Trung Đông trong đó có Syria.

- Syria đã đáp ứng các quy định để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14/10 tới.

Tin ảnh

{keywords}

Ông Putin vật tay với một thanh niên Nga vào năm 2011. (Ảnh: AP)

Phát ngôn

Liên quan tới thỏa thuận đạt được giữa Nga và Mỹ về kế hoạch tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói, kế hoạch này "là một bước tiến đầy ý nghĩa".

Kỷ niệm

Ngày 16/9/1978, một trận động đất có cường độ 7,5 - 7,9 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Tabas của Iran, làm hơn 20.000 người thiệt mạng.

Thanh Vân (tổng hợp)