Lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syria (SNC) tuyên bố tổ chức này sẵn sàng tham gia một hội nghị được đề xuất ở Geneva với mục đích chấm dứt nội chiến, nhưng với điều kiện các cuộc hòa đàm phải nhằm thành lập một chính phủ chuyển giao.

{keywords}
Chủ tịch SNC Ahmad Jarba. (Ảnh: Reuters)


Đây là cam kết rõ ràng đầu tiên của SNC - một lực lượng được cả phương Tây và khối Ảrập ủng hộ - về việc tham dự hội nghị ở Geneva. Tuy nhiên, các tiếng nói đối lập khác ở Syria tuyên bố họ không hưởng ứng chừng nào ông Bashar al-Assad còn tiếp tục làm Tổng thống.

SNC gồm chủ yếu là những người chống đối Assad đang sống lưu vong. Trước đó, họ còn dao động về việc có tham gia các cuộc đối thoại do Mỹ và Nga bảo trợ hay không, đặc biệt là sau vụ tấn công vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 làm hàng trăm người chết.

Trong một lá thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề ngày 19/9, Chủ tịch SNC Ahmad Jarba cho biết liên minh này "tái khẳng định mong muốn tham gia vào một hội nghị Geneva tương lai". Tuy nhiên, ông tuyên bố "tất cả các bên phải... nhất trí rằng mục đích của hội nghị sẽ là thành lập một chính phủ chuyển giao với đầy đủ quyền hạn hành pháp", như đã nêu trong vòng 1 cuộc đàm phán quốc tế ở Geneva năm ngoái.

Đáp trả những chỉ trích nhằm vào mình, ông Jarba cho biết sau khi gặp Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ở Paris ngày 22/9 rằng nội dung lá thư không đi ngược lại những mục tiêu của làn sóng nổi dậy kéo dài hai năm rưỡi qua nhằm hạ bệ chính quyền Assad.

"Chúng tôi tận tâm với những nguyên tắc của cách mạng, nhưng chúng tôi không phản đối một giải pháp chính trị phù hợp với các mục đích khởi nghĩa", ông Jara nhấn mạnh.
SNC tuyên bố ông Assad không có vai trò gì trong chính quyền chuyển tiếp. Tuy nhiên, Tổng thống Syria phủ nhận mọi triển vọng chuyển giao quyền lực.

Moaz al-Agha, một thành viên cấp cao của Các lữ đoàn al-Sahaba Hồi giáo, cho rằng thỏa thuận Nga - Mỹ nhằm tiêu hủy vũ khí hóa học của chính quyền Assad và làm giảm khả năng một cuộc tấn công của Mỹ là không có hiệu lực.

Trong khi đó, từ khu vực Jabal al-Zawyia ở miền bắc Syria, nhà hoạt động Mahmoud al-Zaqwan bày tỏ lo ngại Geneva là một nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận tương tự văn bản khiến Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh nhẹ nhàng rút lui khỏi quyền lực. Ông Zaqwan muốn nhà lãnh đạo Syria không những bị phế truất mà còn bị đem ra xét xử.

Trong lá thư, ông Jarba của SNC kêu gọi Hội đồng Bảo an nếu đưa ra bất kỳ nghị quyết nào về vũ khí hóa học nào đều phải thuận theo chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp bất tuân thủ.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga có thể sẽ gửi các nhân viên quân sự của nước này tới tham gia tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria. Phát biểu trên truyền hình Nga, ông Lavrov nói các quan sát viên quân sự có thể giúp Syria loại bỏ vũ khí hóa học theo thỏa thuận Nga - Mỹ.

Ông cũng cáo buộc Mỹ dùng thủ đoạn "hăm dọa tống tiền" về một nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Tổ chức Giám sát Vũ khí hóa học quốc tế (OPCW) cho biết Syria đã đáp ứng thời hạn chót đệ trình các chi tiết của kho vũ khí hóa học ước tính gồm khoảng 1.000 tấn. Đây là bước đầu tiên trong thỏa thuận mà theo đó, nước này phải tiêu hủy xong tất cả các vũ khí hóa học vào giữa năm 2014.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 100.000 người đã phải bỏ mạng ở Syria trong khi hàng triệu người khác trở thành vô gia cư hoặc phải rời đất nước đi lánh nạn kể từ khi làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Assad nổ ra hồi tháng 3/2011.

Thanh Hảo (Theo Reuters)