Nhà lãnh đạo trung hữu Silvio Berlusconi hôm 28/9 rút các bộ trưởng của mình khỏi nội các, hạ gục chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta và khiến nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng euro rơi vào hỗn loạn.


{keywords}

Hiện giờ, các cuộc thương thuyết sẽ được bắt đầu để tìm ra một đa số trong Quốc hội nhằm ủng hộ nội các mới và tránh phải tiến hành một cuộc bầu cử khác, 7 tháng sau cuộc bỏ phiếu gần đây nhất.

Italia hiện cần phải tiến hành các cải tổ quan trọng để nổi lên sau suy thoái kéo dài 2 năm, thoát khỏi tình trạng kinh tế im lìm, nợ công 2 nghìn tỷ euro và tỷ lệ thất nghiệp khoảng 40%.

Việc các bộ trưởng của nhà lãnh đạo Berlusconi rút lui sẽ làm chậm các cải tổ này thêm nữa.

"Rất nhiều biện pháp mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện giờ có nguy cơ bị thụt lùi", Bộ trưởng Lao động Enrico Giovannini nói trên đài truyền hình quốc gia.

Ông Berlusconi hành động như trên một ngày sau khi Thủ tướng Letta thách đảng trung hữu ủng hộ ông trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội.

Hôm 27/9, nội các Italia đã thất bại trong việc tìm kiếm sự nhất trí về các biện pháp tài chính quan trọng nhằm đưa thâm hụt ngân sách vào trong giới hạn của Liên minh châu Âu, khiến liên minh cầm quyền (gồm các đối thủ truyền thống của nhau ở phe tả và hữu) vốn đã mỏng manh, gần như sụp đổ.

Căng thẳng giữa hai bên tăng lên trong vài tuần gần đây, sau khi có các động thái trục xuất Berlusconi khỏi Quốc hội sau khi ông này bị kết tội gian lận thuế vào tháng trước.

Các nghị sĩ thuộc đảng Tự do của nhân dân (PDL) của cựu Thủ tướng Berlusconi đã dọa sẽ rời Quốc hội nếu một ủy ban của Thượng viện - nhóm họp vào ngày 4/10 tới, bỏ phiếu thông qua tiến trình trục xuất lãnh đạo của họ theo luật cấm người phạm tội tham gia Quốc hội.

Ông Berlusconi sẽ tròn 77 tuổi vào hôm nay (29/9)

  • Hoài Linh (Theo Reuters, CNN)