Các nỗ lực chính trị hiện đang diễn ra "cuống cuồng" ở Thượng viện Mỹ nhằm tránh cho nước này không rơi vào tình trạng vỡ nợ liên bang sau khi các kế hoạch tại Hạ viện sụp đổ. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}

Các lãnh đạo Thượng viện tiếp tục làm việc thâu đêm để bàn về một thỏa thuận nhằm nâng trần vay và chấm dứt cảnh chính phủ đóng cửa một phần.

Đến thời hạn chót vào thứ Năm (17/10), tức là chỉ còn ít giờ nữa, các nghị sĩ Mỹ cần phải nâng mức trần vay - hiện là 16,7 nghìn tỷ USD - nếu không nước này sẽ vỡ nợ.  Giới chính trị gia, chủ ngân hàng và chuyên gia kinh tế đều đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả kinh tế trên toàn cầu nếu như các phe phái ở Mỹ không đạt được một thỏa thuận.

Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã làm chủ tình hình vào đêm ngày 15/10 khi bàn về một thỏa thuận lưỡng đảng mà các trợ tá nói rằng sẽ mở rộng giới hạn vay nợ liên bang cho đến ngày 7/2 năm tới và rót tiền cho chính phủ hoạt động trở lại cho đến giữa tháng 1. 

Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện, ông Harry Reid, và người đồng nhiệm phía Cộng hòa Mitch McConnell được cho là sẽ trình bày ngắn gọn về dự luật này trước các đồng nghiệp của họ trong hôm nay. Dự kiến Thượng viện sẽ tái triệu tập vào buổi chiều (23h đêm, giờ VN).

Nhưng ngay cả nếu một sự thỏa hiệp có thể vượt qua được những rào cản về thủ tục thì vẫn chưa rõ liệu dự luật đó có nhận được đủ số phiếu tại Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát để được thông qua trước thời hạn chót 17/10 hay không.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski khuyến cáo các đồng nghiệp của bà rằng Mỹ "chỉ còn vài giờ nữa là biến thành một quốc gia tê liệt, không thực hiện nổi các nghĩa vụ tài chính với chính người dân của mình và các chủ nợ khác".

Cuộc chiến ngân sách lần này bắt đầu 15 ngày trước khi Đảng Cộng hòa ở Hạ viện làm cho chính phủ phải đóng cửa một phần, do họ đòi Tổng thống Barack Obama phải hoãn hoặc rút lại ngân sách dành cho đạo luật cải cách y tế mang đậm dấu ấn của ông (còn được gọi là Obamacare).

Đảng Cộng hòa sau đó phải nhượng bộ và đến sáng ngày 15/10, Hạ viện chỉ muốn thay đổi chút ít điều luật đã được ban hành hồi năm 2010 này. Tuy nhiên, Nhà Trắng và Đảng Dân chủ đã nhanh chóng lên án động thái này của phe Cộng hòa, do đó Đảng Cộng hòa đành phải bỏ luôn những sửa đổi đó dù khá nhỏ nhoi. 

Nhà Trắng từ chối đàm phán lại về đạo luật y tế. Họ lập luận rằng đạo luật này đã được thông qua hồi năm 2010, sau đó lại được Tòa án Tối cao phê chuẩn và được đưa ra làm chủ đề tranh cử chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 mà ông Obama giành chiến thắng dễ dàng.

Trong bối cảnh đang có nhiều cãi vã qua lại tại Quốc hội Mỹ, cơ quan đánh giá tín nhiệm hàng đầu Fitch cảnh báo có thể sẽ hạ mức tín nhiệm AAA của nước này. Trong khi đó, Thị trường chứng khoán New York đã mất 133 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10.

Trong lần bế tắc tài chính ở Quốc hội Mỹ năm 2011, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác là Standards & Poor’s đã hạ mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống còn AA+.

Thanh Hảo (Tổng hợp)