- Theo hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật mới về việc nâng trần nợ công và tái cấp vốn hoạt động cho chính quyền liên bang, phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều ngày nay.

{keywords}

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, với tỷ lệ bỏ phiếu 81/18, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật mới đạt được giữa lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid và thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa trong Thượng viện Mitch McConnell, theo đó sẽ kéo dài hạn nợ liên bang tới ngày 7/2/2014 và cấp ngân sách cho chính quyền liên bang tái mở cửa tới ngày 15/1/2014.

Thỏa thuận mới sẽ chờ được Hạ viện Mỹ thông qua vào cuối ngày 16/10 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, trước đó, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói rằng các hạ nghị sỹ Cộng hòa sẽ không ngăn chặn dự luật mới. Điều đó đồng nghĩa với việc dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua, dù điều này có thể bị xem là một thất bại của phe Cộng hòa trong cuộc chiến ngân sách.

Phát biểu sau khi thỏa thuận đạt được, Thượng nghị sỹ Dân chủ Harry Reid đã tuyên bố, "đất nước của chúng ta đã thoát khỏi bờ vực của thảm họa". Theo ông, thỏa thuận mới đạt được là một diễn biến có tính chất lịch sử. Còn theo Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, chính quyền liên bang sẽ hoạt động trở lại và tránh được nguy cơ vỡ nợ nhờ có dự luật nói trên.

Cùng ngày, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney cũng lên tiếng xác nhận, Tổng thống Mỹ Barack Obama rất cảm kích trước những nỗ lực thu hẹp bất đồng của giới chức trong Thượng viện, đồng thời kêu gọi các nghị sỹ hai đảng trong lưỡng viện quốc hội sớm hành động để đảm bảo chính phủ được mở cửa trở lại và nguy cơ vỡ nợ công được ngăn chặn.

Chính phủ Mỹ đã rơi vào trạng thái ngừng hoạt động một phần kể từ ngày 1/10, sau khi quốc hội nước này không phá vỡ được thế bế tắc về cấp gói ngân sách mới cho các cơ quan chính quyền. Tình trạng này đã kéo dài suốt 16 ngày, giữa lúc nước Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu như không nâng được mức trần nợ trước hạn chót.

Cũng trong ngày 16/10, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings vừa lên tiếng cảnh báo có thể hạ mức tín nhiệm nợ AAA của Mỹ. Cuối tuần trước, phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị thường niên giữa Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cảnh báo nước Mỹ còn vài ngày nữa là tiến tới thời khắc cực kỳ nguy hiểm.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, nếu Mỹ không nâng được trần nợ công trước hạn chót, thì "đó có thể là một sự kiện thảm họa không chỉ đối với các nước đang phát triển, mà điều đó còn gây tổn hại lớn cho những nền kinh tế phát triển".

Thanh Vân (tổng hợp)