Đức và Brazil vừa yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua một dự thảo nghị quyết đòi quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Văn bản này yêu cầu chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức, nhấn mạnh rằng thu thập trái phép dữ liệu cá nhân "cấu thành một hành động xâm phạm cao độ".

{keywords}
Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một cuộc họp báo trong th ời gian diễn ra hội nghị của các lãnh đạo EU ở Brussels ngày 25/10. (Ảnh: Reuters) 

Cả Đức và Brazil đều rất tức giận trước những cáo buộc về mức độ do thám quy mô lớn của chính quyền Washington. Các cáo buộc này xuất phát từ những tiết lộ mà "người tuýt còi" Mỹ Edward Snowden đưa ra.

Dự thảo nghị quyết - không nêu đích danh nước nào - sẽ được đưa ra thảo luận tại một ủy ban của Đại hội đồng LHQ về nhân quyền. Văn bản kêu gọi Đại hội đồng gồm 193 thành viên tuyên bố rằng họ "quan ngại sâu sắc về những lạm dụng và vi phạm nhân quyền mà có thể nảy sinh từ việc tiến hành bất kỳ hoạt động do thám liên lạc nào".

Nghị quyết sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào cuối tháng này, kêu gọi tất cả các nước hãy bảo vệ quyền riêng tư vốn được luật pháp quốc tế đảm bảo.

Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc nhưng chúng có thể có những ảnh hưởng lớn về chính trị và đạo đức nếu giành được đủ sự ủng hộ.

Dự thảo được đưa ra tiếp sau những cáo buộc rằng Mỹ đã nghe lén các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Thủ tướng Đức Angela Merkel, khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á nổi giận.

Tiết lộ về quy mô theo dõi Mỹ xuất phát từ các tài liệu mà cựu nhân viên nhà thầu an ninh quốc gia Mỹ rò rỉ cho báo chí.

Trước đó, chính phủ Đức tuyên bố muốn nói chuyện trực tiếp với Snowden về các hoạt động do thám của Mỹ, sau khi có tin NSA đã nghe trộm các cuộc gọi điện thoại của bà Merkel trong nhiều năm.

Trước đó, Snowden đã gặp nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Hans-Christian Stroebele ở Moscow và bày tỏ sự sẵn sàng muốn trình bày tóm tắt cho chính phủ Đức về do thám của NSA.

Luật sư của Snowden tuyên bố bất cứ cuộc gặp nào với các nhà điều tra Đức đều sẽ chỉ diễn ra ở Moscow.

Hôm qua (1/11), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, trong một số trường hợp, do thám của Mỹ đã đi quá xa. Ông cho biết sẽ làm việc với Tổng thống Barack Obama để ngăn chặn những hành động không thích hợp thêm nữa của NSA.

Snowden, 30 tuổi, đã sang Nga hồi tháng 6 sau khi tiết lộ nhiều chi tiết về các hoạt động do thám Internet và điện thoại rộng khắp của Mỹ. Chuyên gia kỹ thuật này hiện đang được Nga cho tị nạn tạm thời, được sống ở nước này cho đến tháng 7/2014.

Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)