Bộ trưởng Tư pháp Brazil đã lên tiếng bảo vệ hoạt động gián điệp của đất nước mình đồng thời nói rằng các hoạt động này “hoàn toàn khác biệt” so với những gì mà Mỹ đang thực hiện.

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}
Các hoạt động của Brazil đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. (Ảnh minh hoạ: Reuters)

Phát biểu của ông Jose Eduardo Cardoso được đưa ra sau khi bài báo đăng trên tờ Folha de S. Paulo của Brazil tố cáo các điệp viên tới từ cơ quan tình báo quốc gia Brazil (Abin) đã theo dõi và chụp ảnh các nhà ngoại giao tới từ ít nhất 3 quốc gia Mỹ, Iran và Nga.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Brazil cho rằng các điệp viên Brazil hành động hợp pháp và bất cứ nỗ lực nào so sánh hoạt động gián điệp của Brazil và Mỹ đều sai lầm.

Ông miêu tả thứ mà bài báo cáo buộc thực chất là những hoạt động “chống phản gián” nhằm xác minh xem các quốc gia có đang do thám” tại Brazil hay không”.

“Tôi nhìn thấy một tình huống hoàn toàn khác. Những gì đã xảy ra liên quan tới Brazil và các quốc gia khác và hành vi vi phạm. Các cuộc điện thoại và thư điện tử đã bị xâm phạm, đó là một sự sỉ nhục đối với chủ quyền của Brazil,” ông nói với các phóng viên.

Các báo cáo về hoạt động phản gián của Brazil đã gây sự chú ý đối với truyền thông quốc tế, với Thời báo New York nói rằng chúng đã đặt Brazil vào một “tình thế không thoải mái” sau khi quốc gia này đã chỉ trích gay gắt chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng các hoạt động của Brazil là thường xuyên.

“Như chúng ta đã thấy trong quá khứ, tất cả các quốc gia đều thu thập thông tin tình báo nước ngoài,” một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Brazil đã tỏ ra tức giận trước tiết lộ rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã đột nhập mạng lưới máy tính của công ty dầu quốc gia Petrobras để thu thập dữ liệu từ thư điện tử và các cuộc gọi điện thoại.

Trước đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã quyết định hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 23/10 vì các cáo buộc tình báo Mỹ bí mật theo dõi thư điện tử và điện thoại tại Brazil. 

Các cáo buộc về gián điệp điện tử cũng khiến Brazil và Đức yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một dự thảo nghị quyết kêu gọi quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số.

Sầm Hoa (Theo BBC)