Không khí bốc mùi khi các nhân viên hì hụi đưa từng quan tài người chết xuống một nấm mộ tập thể có kích cỡ bằng một bể bơi Olympic ở tâm bão Tacloban. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:

 

{keywords}

Hàng chục thi thể không rõ danh tính đã được mai táng tại một nghĩa địa ven đồi ngày 14/11 mà không có một nghi lễ nào - lễ chôn tập thể đầu tiên ở Tacloban sau trận bão hủy diệt tuần trước.

Sáu ngày sau thảm họa, việc cung cấp thực phẩm, nước uống và thuốc men cho nửa triệu người phải di dời vì bão hiện mới đạt được rất ít tiến bộ. Những khó khăn gây trở ngại cho việc phân phát hàng viện trợ quốc tế ngày càng lộ rõ hơn.

Các binh sĩ đi trên những xe tải phân phát gạo và nước uống cho người dân trong khi lực lượng cứu hộ với cưa sắt trong tay làm việc không ngừng nghỉ để dọn đống đổ nát trên các đoạn đường tắc nghẽn, dọn đường cho xe cứu trợ tiến vào Tacloban.

Hàng nghìn người tiếp tục ùn kéo về sân bay vốn cũng đã bị hư hại nặng của Tacloban. Họ tuyệt vọng tìm mọi cách để rời đi hoặc cố tiếp cận việc chữa trị ở một trung tâm y tế tạm thời nào đó.

"Chúng tôi biết mức độ nghiêm trọng của những gì người dân phải chịu đựng, và chúng tôi hiểu rằng, hơn lúc nào hết, giờ đây chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để giúp xoa dịu nỗi đau của dân chúng", Tổng thống Benigno S. Aquino III nhấn mạnh trong một thông báo.

Theo giới chức trách, tổng cộng 2.357 người được xác nhận đã chết tính đến thời điểm này - một con số được cho là sẽ còn tăng cao khi thông tin được tập hợp từ tất cả các khu vực khác của vùng thảm họa.

Mồ hôi ròng ròng trên mặt, John Cajipe, 31 tuổi, và ba thiếu niên khác làm việc ở nghĩa địa Tacloban đã đặt thi thể đầu tiên xuống một góc mộ. Thi thể thứ hai được đặt xuống 2 phút sau đó, cạnh xác thứ nhất. Và cứ thế cho đến khi hàng chục quan tài xếp kín ngôi mộ sâu 2m. Một buổi lễ rải nước thánh lên khu vực này cũng được tiến hành trong hôm nay (15/11).

Cục Điều tra quốc gia đã quyết định tách từ mỗi thi thể nạn nhân một mẩu xương đùi, phục vụ cho công tác xác định danh tính người chết. 

"Tôi hy vọng đây là lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh tượng như thế này", thị trưởng Alfred Romualdez bày tỏ.

Trong khi đó, hàng không mẫu hạm Mỹ USS George Washington đã có mặt ở vùng biển gần Vịnh Leyte. Tàu này sẽ thiết lập một trạm ngoài khơi đảo Samar của Philippines để đánh giá thiệt hại và cung cấp hàng tiếp viện. Tổng tộng 21 trực thăng đã được đưa tới khu vực để giúp tiếp cận các vùng khó khăn nhất.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, nước này cũng đã cử tàu sân bay HMS Illustrious cùng 7 trực thăng và các trang thiết bị tới giúp sản xuất nước sạch. Con tàu dự kiến sẽ tới được khu vực vào ngày 25/10.

Mỹ đã có nhiều tàu khác hiện diện trong khu vực, gồm một tàu khu trục và hai tàu tiếp tế lớn, cùng hai phi cơ P-3 dùng để khảo sát thiệt hại giúp các nhà lập kế hoạch có thể xác định nơi nào cần viện trợ khẩn thiết nhất.

"Chúng tôi hoạt động 24/7", trích lời đại úy Cassandra Gesecki, phát ngôn viên của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

Sau khi thăm Tacloban hôm 1311, Valerie Amos, quan chức phụ trách nhân đạo của Liên Hợp Quốc, nói rằng có khoảng 11,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi bão, bao gồm những người mất thân nhân, bị thương hoặc hứng chịu thiệt hại về nhà và kế sinh nhai.

"Tình hình rất ảm đạm... Hàng chục nghìn người đang sống ở ngoài trời... phơi mình cho mưa gió", bà mô tả và cho biết, ưu tiên ngay lập tức của các cơ quan nhân đạo trong vài ngày tới là vận chuyển và phân phát bánh quy năng lượng cao cùng các loại thực phẩm, vải dầu, lều bạt, nước uống và các dịch vụ vệ sinh cơ bản cho người bị nạn. Theo bà Amos, do tình trạng thiếu nhiên liệu ở Tacloban nên các xe tải không thể đưa hàng viện trợ từ sân bay vào thành phố. Thời tiết cũng là một rào cản, thường xuyên có mưa lớn. 

Tính đến 13/11, Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc đã phân phát gạo và các vật dụng khác cho khoảng 55.000 người ở Tacloban. Gần 10 tấn bánh quy năng lượng cao cũng đã được đưa tới thành phố trong khi 25 tấn khác đang trên đường tới.
Tuy nhiên, với hàng nghìn người trú ẩn tại trung tâm thể thao Tacloban, chưa có đồ viện trợ nào tới được tay họ kể từ sau bão.

Tecson Lim, một quan chức ở Tacloban, ước tính 70% trong tổng dân số 220.000 người ở thành phố này đang cần trợ giúp khẩn cấp.

Thanh Hảo (Theo AP)