- Đến Bogo - đô thị ở phía Bắc tỉnh Cebu, nơi cũng bị thiệt hại nặng nề sau siêu bão Haiyan, chuẩn bị sẵn tư thế để đối đầu với một Tacloban thứ 2, loạn lạc, cướp bóc, nhưng những gì mà chúng tôi thấy lại là điều khác biệt.

Tự cứu lấy đồng bào mình

Khi báo chí thế giới và chính người dân đang chỉ trích sự chậm trễ và thiếu hiệu quả công tác cứu trợ của chính phủ Philippines sau siêu bão, thì ở Bogo, đã tự lập ra những nhóm nhỏ, quyên góp và mang hàng cứu trợ đến tận tay nạn nhân.

Là một nhóm như thế, chúng tôi nhận được 80 suất hàng cứu trợ, mỗi suất gồm 1 lít nước sạch, 3 cân gạo, 2 hộp đồ hộp, 2 gói bánh, một ít bánh mỳ và 3 viên thuốc kháng sinh.

{keywords}

Người lái xe taxi giúp chúng tôi chuyển hàng lên xe cứu thương. Trước đó, anh đã từ chối nhận tiền khi biết chúng tôi mang hàng hóa đến Bogo.

Đó là một phần của những gì thu được sau 1 tuần quyên góp của học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam tại một trường anh ngữ tại thành phố Cebu.

Lên đường từ Cebu tới Bogo, nơi cách đấy gần 130km với từng đấy hàng hóa, trong điều kiện đường sá sau bão và toàn bộ hệ thống điện ở phía Bắc đảo bị phá hủy là một điều không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, chúng tôi đã may mắn khi gặp được xe cứu thương của thành phố Bogo đang trở về sau khi đưa người bị thương nặng đến bệnh viện ở Cebu.

Thế là, toàn bộ hàng hóa, cùng 9 người trong nhóm và 2 nhân viên y tế của Bogo chen nhau trên chiếc xe, thỉnh thoảng phải dừng lại mở cửa xe ra để thở.

Đặt chân đến Bogo, sau những ngỡ ngàng sửng sốt về sự tàn phá của siêu bão để lại, chúng tôi đến một nhà dân kiên cố còn sót lại làm điểm cứu trợ.

{keywords}

Hình ảnh dễ gặp trên những con đường ở Bogo, hệ thống điện bị phá hủy và theo những người dân ở đây, phải ít nhất là 2 tháng nữa, điện lưới mới được khôi phục trở lại.

{keywords}

Một cậu bé đứng nhìn vào đống đổ nát, nơi trước đây là căn nhà của gia đình.

Điều khác biệt ở Bogo

Những người dân ở một làng ven biển của Bogo đã tập trung ở đây từ trước, kiên nhẫn ngồi chờ, lên danh sách và đánh số thứ tự để được khám bệnh cơ bản và nhận hàng hóa.

Cùng tình cảnh tồi tệ như ở Tacloban nhưng ở điểm của chúng tôi và tất cả những điểm cứu trợ khác, hoàn toàn không xảy ra hiện tượng người dân tranh dành, cướp phá hàng cứu trợ.

{keywords}

{keywords}

Những người dân Bogo đến sớm nhất và ngồi chờ tại điểm cứu trợ.

Và hình ảnh những hàng người nối dài không chỉ gặp ở những nơi phân phát hàng hóa. Hàng trăm người xếp hàng tại bến xe thành phố trung tâm để chờ đi khỏi Bogo, dù cho lúc đó đã là 5 giờ chiều cũng rất trật tự. Dù nếu phải chờ thêm một lúc nữa, họ sẽ phải xếp hàng trong bóng tối.

{keywords}

Hàng người kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi dưới mưa tại một điểm cứu trợ.

{keywords}

Hàng người dài lê thê chờ đợi dưới mái nhà bị phá nát của bến xe Bogo.

Cùng với 8 người bạn là những y tá, giáo viên, kế toán mang hàng cứu trợ đến Bogo - đô thị ở phía Bắc tỉnh Cebu, nơi cùng với Tacloban và Bantayan là những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất sau siêu bão Haiyan, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tư thế để đối đầu với một Tacloban thứ 2, loạn lạc, cướp bóc và nguy hiểm.

Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi được gặp ở đây thật sự là những điều khác biệt. Trong những lúc hiểm nghèo nhất, người dân Philippines đã thể hiện sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia với cộng đồng của mình.

Những hàng người dài kiên nhẫn chờ đợi, thứ mà chúng ta vẫn thường nhắc đến với lòng ngưỡng mộ đi liền với tinh thần Nhật Bản. Ở Bogo, nơi đời sống của người dân vẫn còn thực sự nghèo đói và tương lai phía trước đang mịt mờ hơn bao giờ hết cũng có tinh thần đó.

Cảm ơn Việt Nam

Người thanh niên đầu tiên tôi nói chuyện ở Bogo cho biết, có 2 thứ mà anh không hề nghĩ đến trước đó. Đầu tiên, đó là sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Haiyan. Và điều thứ 2 đó là đất nước anh đã nhận được sự trợ giúp rất sớm từ Việt Nam.

{keywords}

Y tá trong nhóm kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho người dân.

Nếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, hay Châu Âu, đó là điều bình thường, nhưng là Việt Nam - một đất nước còn xa lạ đối với người dân nơi đây, lại đang cùng phải chống chịu với siêu bão đó là một điều hết sực bất ngờ mà anh cùng bạn bè đã nhắc đến và lan truyền rất nhiều trên facebook .

Và không chỉ có những thanh niên trẻ, có cơ hội tiếp xúc với facebook, tôi vẫn còn nhớ một cụ già ở Bogo, sau khi được khám bệnh, nhận phần hàng cứu trợ và trở về nhà đã quay lại chỗ chúng tôi, tìm đến tôi để nói: Salamat Vietnam. (Cảm ơn Việt Nam)

Bùi Phú Châu (từ TP Cebu, Philippines).