Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan nói ông không tin một cuộc đảo chính sắp xảy ra ở nước này khi các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bước sang ngày thứ 5 liên tiếp.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Ông Chaturon Chaiseng miêu tả tình hình hiện tại là "khá nghiêm trọng" và rằng mục đích của người biểu tình muốn lật đổ chính phủ là "vi hiến". Tuy nhiên, ông cho rằng, đến nay quân đội dường như vẫn không ủng hộ người biểu tình - một hành động cần thiết để một cuộc đảo chính xảy ra.

{keywords}
Những người biểu tình ở Thái Lan cho rằng chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị anh trai bà, ông Thaksin, giật dây từ nước ngoài. 

Trong ngày 27/11, cơ quan phòng chống tội phạm của Thái Lan đã buộc phải sơ tán.

Người biểu tình cáo buộc chính quyền Yingluck bị người anh trai đang sống lưu vong của bà, Thaksin Shinawatra, giật dây. Họ muốn chính phủ hiện nay từ chức. Trong mấy ngày qua, người biểu tình đã nhắm tới và bao vây một loạt văn phòng của các bộ bên ngoài Bangkok. Lãnh đạo biểu tình tuyên bố họ sẽ làm tê liệt các bộ nhằm gây gián đoạn hoạt động.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự lo ngại về "căng thẳng chính trị đang tăng cao" ở thủ đô Thái Lan. "Tổng thư ký kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa, không sử dụng bạo lực, tôn trọng luật pháp và nhân quyền", trích lời phát ngôn viên của nhà lãnh đạo này.

Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan thừa nhận chính phủ nước này cần "lấy lại được lòng tin và sự tín nhiệm của người dân" vào hệ thống nghị viện. Tuy nhiên, ông nói thêm: "Thực tế việc một số người không tin vào chính phủ hoặc các đảng liên minh nữa không có nghĩa là họ có thể hoặc lật đổ chính phủ hoặc thay đổi hệ thống đó".

Về vấn đề Thaksin Shinawatra, ông Chaturon cho rằng Đảng Pheu Thái cầm quyền đang đối mặt với một tình thế khó. "Đảng sẽ cần tìm kiếm một sự cân bằng nào đó trong việc này", vị cựu phó Thủ tướng và cựu lãnh đạo đảng của Thaksin Shinawatra nhận định. "Họ sẽ cần phải tỏ rõ rằng bất cứ ai sẽ lên làm Thủ tướng đều có thể chứng tỏ họ độc lập và tự đưa ra quyết định".

Bộ trưởng Chaturon nhấn mạnh, đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra "đang nỗ lực hết sức để chứng tỏ sự độc lập khỏi anh trai bà". 

{keywords}
Thủ tướng Yingluck cam kết không dùng vũ lực với người biểu tình.


Biểu tình ở Thái Lan bắt đầu từ Chủ nhật (24/11) và đến nay đã nhằm vào nhiều bộ, trong đó có bộ Tài chính, Ngoại giao và Nội vụ, mặc dù chính phủ tuyên bố họ vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Vào chiều qua, hàng trăm người vây quanh Ủy ban Điều tra đặc biệt (DSI) - tương đương với Cục Điều tra Liên bang Mỹ, cáo buộc lãnh đạo cơ quan này tiến hành điều tra đảng phái chống lại những người đối lập trong chính phủ.

Đứng đầu làn sóng biểu tình là nhà lập pháp Suthep Thaugsuban của Đảng Dân chủ đối lập. Một lệnh bắt giữ nhằm vào ông này đã được ban hành song đến nay cảnh sát vẫn chưa có động tĩnh gì để làm việc đó.

Yingluck tuyên bố chính phủ của bà sẽ không sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình.

Biểu tình chống chính phủ Thái Lan bùng phát từ một dự luật ân xá mà có thể giúp anh trai của nữ Thủ tướng Yingluck trở về nước an toàn. Thaksin đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và bị kết án vắng mặt vì tội lạm quyền năm 2008. Mặc dù dự luật bị bác bỏ nhưng làn sóng biểu tình đã đẩy lên thành kêu gọi lật đổ chính quyền Yingluck. 

Thanh Hảo (Theo BBC, CNN)