Một buổi chiều tháng 10, tại vùng đất ẩm ướt không người sinh sống nằm giữa Thái Lan và Myanmar, Muhammad Ismail đột nhiên biến mất.
Các quan chức nhập cư Thái cho biết, Ismail bị trục xuất sang Myanmar. Tuy nhiên, trên thực tế, họ bán Ismail, 23 tuổi và hàng trăm người Hồi giáo Rohingya khác cho bọn buôn người, và sau đó họ bị đẩy vào các khu trại trong rừng.
Với việc hàng nghìn người Rohingya rời khỏi Myanmar để tránh bị ngược đãi về tôn giáo, một cuộc điều tra của Reuters tại 3 nước đã khám phá ra một chính sách bí mật nhằm rũ bỏ người tị nạn Rohingya khỏi các trung tâm giam giữ người di cư của Thái Lan và sau đó giao họ cho bọn buôn người đang chờ sẵn ngoài biển.
Người tị nạn Rohingya sau đó sẽ được chuyển qua nam Thái Lan và bị giữ làm con tin trong hàng loạt khu trại giấu mình gần biên giới với Malaysia cho tới khi người thân của họ trả hàng nghìn đôla để chuộc con em mình. Các phóng viên của Reuters đã xác định được những khu trại như vậy, hai cái được những người Rohingya từng bị giam ở đó xác nhận, cái thứ ba được các phóng viên thân chinh đi tới. Khu trại thứ ba được canh phòng rất cẩn mật, nằm gần một ngôi làng tên là Baan Klong Tor.
Hàng nghìn người Rohingya đã bị giam tại những khu trại đó. Một số lượng chưa tiết lộ đã thiệt mạng tại ba khu trại này. Một số người bị chính những bảo vệ trại sát hại hoặc bỏ mạng vì bệnh tật, hoặc mất nước, những người sống sót kể.
Giới chức Thái cho biết, việc người Rohingya đi qua nước này không đồng nghĩa với buôn lậu người. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Reuters, cảnh sát hoàng gia Thái lần đầu tiên thừa nhận, có một chính sách mật tên là "lựa chọn 2" - vốn dựa vào các mạng lưới buôn người để giúp Thái rũ bỏ các tù nhân Rohingya.
Ismail là một trong 5 người Rohingya cho biết, các quan chức nhập cư Thái Lan đã bán anh ta ngay lập tức hoặc trợ giúp bán họ cho bọn buôn người. "Ban đầu, mọi thứ có vẻ chính thức. Họ chụp ảnh chúng tôi, lấy dấu vân tay. Và sau khi chúng tôi đã lên thuyền, khoảng 20 phút sau khi tàu đã ở ngoài biển, chúng tôi được thông báo là mình đã bị bán", Ismail, một nông dân có khuôn mặt dài và mái tóc xoăn nói.
Isrmail cho hay, anh ta đã bị giam tại một khu trại ở nam Thái Lan. Bozor
Mohamed, một người Rohingya khác cũng vậy. Khu trại hai người bị giam được nhiều
tay súng canh giữ, Mohamed cho biết. "Mỗi ngày, lại có ít nhất một người chết vì
bệnh tật hoặc mất nước". "Tôi luôn là một người mạnh mẽ", cựu nông dân này cho
biết.
Mohamed và nhiều người khác cho biết, họ luôn bị đói, bẩn thỉu và thường xuyên
bị đánh đập. Khủy tay và lưng của Mohamed đầy vết sẹo do những lần bị những kẻ
giam giữ ở Thái Lan đánh đập trong khi gọi điện cho anh rể ở Malaysia để cầu xin
anh trả 2.000 đô la tiền chuộc như bọn họ yêu cầu.
Một số người không tìm được ai ở Malaysia trả tiền chuộc cho mình và khu trại trở thành nhà của họ. "Những người này có râu và tóc dài, tới tận giữa lưng, nhìn họ như phụ nữ", Mohamed nói.
Cuối cùng điều gì xảy ra với những người Rohingya không thể chuộc tự do hiện còn chưa rõ. Một kẻ buôn người ở Thái cho biết, có một số được bán cho các công ty tàu biển hoặc nông trại để lao động với giá từ 5.000 tới 50.000 baht một người (155 USD tới 1.550 USD).
"Giá cả phụ thuộc vào kỹ năng của họ", kẻ buôn người từ chối tiết lộ trên cho hay.
Khi được xem những thông tin của cuộc điều tra, cảnh sát có cấp bậc cao thứ 2
của Thái Lan bắt đầu thừa nhận. Các quan chức Thái có thể được lợi từ việc buôn
người Rohingya trong quá khứ, Thiếu tướng cảnh sát Chatchawal Suksomjit, phó
tổng cảnh sát trưởng cảnh sát hoàng gia Thái cho biết. Ông này cũng xác nhận sự
tồn tại của các khu trại bí mật ở nam Thái Lan, nơi mà ông gọi là "vịnh giam
giữ".
Tarit Pengdith, trưởng ban điều tra đặc biệt - tương đương FBI ở Mỹ, cũng được
hỏi về những gì Reuters tìm hiểu được. "Chúng tôi đã nghe nói về những khu trại
như vậy ở nam Thái lan, song chúng tôi chưa điều tra về vấn đề đó".
- Hoài Linh (Theo DailyMail, Reuters)