Cơ quan lưu trữ thông tin nhà nước CHDCND Triều Tiên vừa xóa bỏ gần như tất cả các bài báo lịch sử của nước này, chỉ chừa lại số ít bài viết về nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Thông tin cho biết, khoảng 35.000 bài báo đã biến mất khỏi trang web chính thức của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) và gần 20.000 bài bị dỡ khỏi trang web Rodong Sinmun, báo chính thức của Đảng Lao động cầm quyền.

{keywords}
Khoảng 35.000 bài báo đã biến mất khỏi trang web chính thức của KCNA. (Ảnh: AP)

Như vậy, kho lưu trữ kỹ thuật số của KCNA giờ đây chỉ còn lại các tin bài kể từ tháng 10, ngoại trừ một số lượng nhỏ các bài báo về Kim Jong-un, chẳng hạn như "Kim Jong-sun gửi thông điệp khen ngợi thanh niên" từ tháng 8/2012. Các bài viết về các sự kiện lớn trong lịch sử nước này, bao gồm cáo phó tháng 12/2011 về cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il, đều đã bị xóa bỏ.

Theo Frank Feinstein, một nhà phân tích chuyên theo dõi truyền thông trực tuyến của Triều Tiên, các phiên bản bài viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã biến mất. KCNA cũng không còn xuất hiện trên trang tìm kiếm Google.

"Việc này đã được tính toán", ông Feinstein nói về việc hai trang KCNA và Rodong Sinmun xóa bỏ các bài báo. "Nó có nghĩa là mệnh lệnh nhiều khả năng được đưa từ trên xuống. Đó là lý do vì sao chuyện này lại thu hút sự chú ý lớn như vậy. Đó không chỉ là chuyện tẩy xóa nội bộ KCNA".

Toàn bộ nội dung của trang web KCNA.co.jp do người Triều Tiên ở Nhật Bản điều hành không bị ảnh hưởng và vẫn xuất hiện trên Google. Trang này hoạt động độc lập và hiện chưa rõ có được Bình Nhưỡng rót chi phí hay không.

Một nhà phân tích theo dõi báo chí Triều Tiên không tiện nêu tên cho biết, bà "rất sốc" trước hành động này, nhất là sau khi có tin về việc bắt giữ và xử tử Jang Song Thaek, nhân vật nắm quyền lực thứ 2 sau Kim Jong-un ở đất nước bị cô lập này.

"Điều đó càng gây thêm ồn ã cho những đồn thổi quanh Triều Tiên hiện nay", bà nhận xét. "Tôi rất sốc bởi giới hạn tột cùng của hành động này, nhưng rõ ràng đó là một quyết định được đưa ra rất thận trọng".

Nữ phân tích gia này đặt ra một số nguyên nhân khiến Triều Tiên dỡ bỏ tin tức báo chí. Đó có thể là nhằm "viết lại lịch sử Triều Tiên và đảm bảo Kim Jong-un là nhà lãnh đạo mới" hoặc đơn giản là trang báo đang nỗ lực xóa sổ các bài viết về Jang Song Thaek khỏi máy chủ.

Thứ Sáu tuần trước có tin rằng 10-15 bài báo về Jang Song Thaek đã bị dỡ khỏi KCNA với khoảng 500 bài khác được chỉnh sửa hoặc xóa tên nhân vật này.

"Khả năng là có nhiều lý do kết hợp dẫn đến việc này, nhưng với liên tiếp các hành động của Triều Tiên như vậy thì điều đó càng khiến tôi đặt ra nhiều câu hỏi", bà nói.

Hiện chưa rõ động thái mới của Triều Tiên là tạm thời hay vĩnh viễn.

Thanh Hảo (Theo Telegraph)