Hàng chục khối tháp bê tông chọc lên trời như những tấm bia mộ ở Pripyat, một thị trấn bị bỏ hoang sau thảm họa Chernobyl 25 năm trước - phóng viên Ryan Parry của báo Mirror đã mô tả như vậy khi anh tới thăm nơi đây.

Bên trong một lớp học hoang vu, sự im lặng kỳ quái bao trùm bỗng bị phá vỡ bởi một cơn gió mạnh thổi qua những tấm kính vỡ của một khung cửa sổ mục nát. 

Hàng trăm mặt nạ khí vẫn nằm lăn lóc trên mặt đất, có nghĩa là các cư dân nơi đây chưa bao giờ trở về kể từ khi đi sơ tán. Trong một khu chợ hoang tàn, một vòng đu quay Ferris cỡ lớn nằm chỏng chơ bên cạnh các xích đu và các ôtô đồ chơi.

Thị trấn ma ám này vẫn còn rất nhiều dấu vết tàn phá do vụ nổ lò phản ứng ở nhà máy Chernobyl gây ra.  


Nhưng trong khi Nhật Bản phải đối mặt với ác mộng hạt nhân của chính mình tại nhà máy hạt nhân Fukushima, hàng trăm nghìn gia đình ở vùng đất thảm họa Pripyat biết những điều đau đớn nhất gợi nhớ về Chernobyl là các căn bệnh đang giết dần giết mòn họ và con cái của họ. 

Karina Mashevsky bé nhỏ là một đứa bé khỏe mạnh và vui tươi cho đến khi cha mẹ em nhận ra có điều bất thường trên bức ảnh kỹ thuật số của con gái mình.

Bố Gennadiy, 32 tuổi, và mẹ Tamara, 25 tuổi, nhìn vào tấm ảnh đứa con 9 tháng tuổi và nhận ra đồng tử phải của bé màu trắng bạc. Họ kiểm tra các bức ảnh khác và thấy điều tương tự. Karina sau đó được chẩn đoán ung thư mắt, có thể bị mù lòa trước khi đến tuổi đi học.

Tamara, người hiện đang sống với gia đình ở Borodyanka, một thị trấn nhỏ cách Chernobyl gần 100km, tâm sự: "Bác sĩ nói nguyên nhân là do phóng xạ Chernobyl". 

Cặp vợ chồng này "đổ tội" cho rau quả mà Gennadiy trồng trong vườn nhà mà họ tin là đã bị nhiễm xạ. 

Antonina Shyzh, 53 tuổi, là một người chịu trách nhiệm tại Chernobyl, giúp chôn nhà máy bằng cát sau vụ nổ. Bà may mắn không bị ảnh hưởng của nhiễm xạ nhưng gia đình và bạn bè bà đều bị ung thư. 

Antonina, đang sống ở ngôi làng tái định cư New Korogod, nhận xét: "Fukushima có thể là một Chernobyl mới và đối với tôi, đó là một ký ức khủng khiếp. Thật đau lòng khi xem về thảm họa ở Nhật Bản trên tivi. Hàng ngày chúng tôi đều khóc cho người Nhật. Chúng tôi biết nghĩa là thế nào nếu một vụ nổ xảy ra". 

"Mặc dù mọi thứ hiện giờ rất tồi tệ, phóng xạ đang rò rỉ sẽ để lại di chứng tệ hại hơn cho trẻ nhỏ. Tôi chỉ hy vọng tương lai người Nhật sẽ sáng sủa hơn chúng tôi", bà Antonina nói.

"Vùng chết" có bán kính 30km vẫn có hiệu lực quanh Chernobyl và sẽ tồn tại thêm nhiều thập niên nữa. 

Hậu quả tức thời của vụ nổ, 31 nhân viên điều hành và lính cứu hỏa tử vong trong khi hàng nghìn người nữa hiện đang sống ở Belarus và Ukraine nhận được thuốc phóng xạ liều cao. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho rằng tổng số người chết đến nay là 200.000. Và tác động tiềm ẩn của một thảm họa hạt nhân tương tự tại Nhật Bản cũng đang lộ rõ.  

Nhóm 300 công nhân làm việc tại nhà máy Fukushima có nguy cơ nhiễm phóng xạ khi họ chật vật khắc phục tình trạng rò rỉ độc hại. Hàng trăm lính cứu hỏa tại Chernobyl đã qua đời nhiều ngày sau vụ nổ vì thịt của họ bị rời khỏi xương. 

Đó là vào ngày 26/4/1986, khi vòng đu quay Ferris ở Pripyat ngừng chạy. Sự tan chảy xảy ra trong những giờ đầu sau khi nhiệt độ bên trong lò phản ứng số 4 của Chernobyl lên tới 3.000 độ C - nóng như ở giữa một núi lửa. Nó trở thành thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới khi lò phản ứng này nhả ra một đám mây phóng xạ chết người mà sau đó lan khắp 40% châu Âu. 

Và trong 9 ngày, sát thủ vô hình đã lặng lẽ tuôn ra khỏi lò phản ứng. Nhiều lượng lớn các chất đồng vị phóng xạ cao gây ô nhiễm môi trường, thấm vào đất, hệ thống nước và vật nuôi cách đó cả trăm kilômet.

Một số cha mẹ ăn phải thực phẩm và nước nhiễm xạ đã cho ra đời những đứa trẻ dị dạng. Các bệnh viện đầy rẫy bệnh nhân thuộc tế hệ thứ hai và thứ ba. 

Nikita Starovoytenko, 11 tuổi, bị mọc một khối u ở xương sống từ khi còn nhỏ và nó chèn vào dây thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của chân bé. Cha của Nikita là Alex nói: "Cháu đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng cháu vẫn bị một chân ngắn một chân dài". 

Alex, 45 tuổi, cho biết, em trai Pavel 7 tuổi và chị gái Dasha, 18 tuổi, của Nikita đều có các vấn đề về sức khỏe.

Alex là một người lính phục vụ tại Chernobyl vào thời điểm xảy ra thảm họa và là một phần của nhóm chôn vùi các xe nhiễm phóng xạ dùng trong nỗ lực cứu hộ. Sau đó, anh trở thành một cảnh sát nhưng được cho về hưu ở tuổi 40 vì bị hen, nhức đầu, suy nhược cùng nhiều bệnh khác. 

"Tôi làm việc trong môi trường nhiễm xạ cao và đổ bệnh ngay sau đó. Các binh sĩ được bảo uống vodka là một kiểu chữa trị nên nhiều người trong chúng tôi hay bị rượu chè và các vấn đề tâm lý từ việc mất người thân".

Olga Savenok, 21 tuổi, không được sinh ra thời Chernobyl bị tan chảy nhưng cách đây 6 năm cô bị bệnh ung thư ở cả hai thận do phóng xạ mà cha mẹ cô nhiễm phải sau vụ nổ.

Họ được tái định cư ở New Korogod và nghĩ mình an toàn. Olga đã chết nếu mẹ Valentyna, 46 tuổi, không hiến cho con một quả thận. 

"Không ai biết Chernobyl lớn thế nào và giờ người Nhật đang đối mặt với một tình trạng tương tự. Hy vọng các nhà chức trách đã rút ra được bài học từ Chernobyl", Valentyna nói.

Ở các thị trấn quanh nhà máy bị bỏ hoang vẫn tràn ngập chất plutonium 239 độc hại mà sẽ phải mất 244.000 năm mới phân rã thành dạng an toàn. 

Khi chúng tôi tiến vào vùng cấm này, tàn dư của các cộng đồng một thời phát triển thịnh vượng vẫn còn hiện rõ. 91 ngôi làng và 3 thị trấn bị bỏ hoang - giờ chúng đang chết dần chết mòn. Mặc dù nhà máy được đặt là Chernobyl theo tên một thị trấn cách lò phản ứng chừng 18km, Pripyat ở Ukraine lại chịu tác động nặng nề nhất. 

Dân cư sơ tán được yêu cầu bỏ lại hết tài sản, bỏ lại phía sau một thị trấn ớn lạnh theo thời gian. Quần áo của họ bị đốt còn tiền được đổi sang loại mới - tiền cũ bị chôn sâu dưới lòng đất. 

Các cửa hàng, nhà hàng và một rạp chiếu phim trống rỗng còn Cung Văn hóa không một bóng dáng khách đến thăm. Chúng tôi được yêu cầu chỉ dành vài giờ ở khu vực nhiễm xạ cao này. Nhưng hơn 6.000 công nhân vẫn tới Chernobyl mỗi ngày. Họ mạo hiểm với sức khỏe của mình để đảm bảo rằng lò phản ứng bị nổ vẫn an toàn và các lò bỏ không khác được bảo dưỡng.  

Sang năm, Chernobyl sẽ được gia cố thêm một vỏ bê tông an toàn trị giá 1,3 tỷ Bảng. Nhà máy điện này sẽ được nhồi hàng tấn bê tông, phủ kín nó trong một ngôi mộ khổng lồ vĩnh cửu. 

Nhưng an toàn của Chernobyl vẫn luôn là một câu hỏi.

Thanh Hảo (gt)