Cảnh sát Thái Lan hôm 10/2 đã bắt giữ một lãnh đạo biểu tình với cáo buộc vi
phạm sắc lệnh khẩn cấp trong khi thông tin Thaksin Shinawatra và gia đình ông có
mặt ở Myanmar hồi tuần trước được chính thức xác nhận.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
An ninh được tăng cường ở trụ sở cảnh sát quận Khlong Luang, nơi Sonthiyan Chuenruthainaitham đang bị tạm giữ.
Báo Bưu điện Bangkok đưa tin, ông Sonthiyan Chuenruthainaitham, một trong
những thủ lĩnh cấp cao của lực lượng biểu tình chống chính phủ Thái Lan (PDRC),
bị bắt khi đang ăn trưa tại một trung tâm thương mại ở Bangkok.
Chuenruthainaitham bị bắt theo lệnh đã được tòa án phê chuẩn. Ông này sẽ bị tạm
giữ trong 7 ngày để cảnh sát thẩm vấn và sau đó cảnh sát sẽ đề nghị tòa án cho
kéo dài thời gian tạm giữ.
Chuenruthainaitham, người điều hành Đài truyền hình vệ tinh T-News, sẽ bị buộc tội không tuân thủ lệnh giới nghiêm và sau đó là tội phản quốc.
Trước đó, Tòa Hình sự Thái Lan đã ra lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh PDRC theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra đặc biệt vì vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp. Trong số này có cả cựu phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban.
Cùng ngày 10/2, báo The Nation đưa tin ít nhất 6 nhân viên vệ sinh đường phố
đã bị thương trong một vụ nổ bom ở điểm người biểu tình chống chính phủ tập
trung. Hai trong số các nạn nhân bị thương rất nặng và đang được điều trị trong
bệnh viện.
Thaksin Shinawatra tại một ngôi chùa ở Myanmar tuần trước.
Trong một diễn biến khác, Somchai Wongsawat - một quan chức thuộc đảng cầm quyền Pheu Thai - xác nhận tin cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra và gia đình ông đã gặp gỡ nhau ở Myanmar tuần trước. Hình ảnh ông Thaksin đi lễ ở một ngôi chùa đã lan truyền trên mạng và có tin ông ở một khách sạn ở Yangon, cùng tầng với các phụ tá bay từ Bangkok sang.
Các sự kiện kể trên diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Làn sóng biểu tình kéo dài đòi chính quyền Yingluck Shinawatra từ chức đã khiến nữ Thủ tướng Thái Lan quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 2/2. Tuy nhiên, thực trạng người biểu tình ra sức ngăn cản cuộc bầu cử đã khiến nhiều cử tri không thể tham gia và hàng chục điểm bỏ phiếu không thể mở cửa. Đến nay, Ủy ban Bầu cử (ECT) và chính phủ lâm thời của Thủ tướng Yingluck vẫn chưa nhất trí được với nhau về việc ai sẽ định ra ngày bầu cử lại cho 28 khu vực cử tri bị ảnh hưởng ở miền nam Thái Lan.
Ngày 7/2, Ủy viên ECT Somchai Srisuthiyakorn cho biết chính phủ lâm thời phải xin một sắc lệnh Hoàng gia cho ngày bầu cử bổ sung và ECT không có thẩm quyền ban hành thông cáo về cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời tuyên bố ECT có nhiệm vụ phải tổ chức bầu cử thêm ở những nơi bị ảnh hưởng để hoàn tất cuộc tổng tuyển cử.
Giới quan sát nhận định, việc ECT và chính phủ lâm thời Thái Lan không thống nhất được với nhau về cách thức tổ chức bầu cử bổ sung càng làm cho bế tắc chính trị ở đất nước Đông Nam Á này trở nên phức tạp.
Thanh Hảo (Tổng hợp)