- Bạo lực tại Crưm sau khi ký hiệp ước sáp nhập vào Nga đang có nguy cơ gia tăng; Nhiều giả thuyết mới về chiếc máy bay mất tích được đưa ra... là các tin nóng.

Nổi bật

Một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước với các lãnh đạo Crưm về việc sáp nhập bán đảo này vào Nga, tình hình căng thẳng tại đây vẫn chưa lắng xuống, thậm chí có nguy cơ gia tăng.

Trong ngày 19/3, lực lượng ủng hộ Nga đã giành quyền kiểm soát căn cứ hải quân thứ hai của Ukraina ở phía Tây Crưm, chỉ vài giờ sau khi chiếm trụ sở chính của hải quân Ukraina ở thành phố Sevastopol.

{keywords}

Người dân Crưm tấn công trụ sở hải quân Ukraina ở Sevastopol. (Ảnh: News)

Những hãng tin quốc tế cho biết, khoảng 50 binh sỹ của phía Ukraina đang rút dần ra khỏi căn cứ của họ ở Novoozerne, trong khi những người ủng hộ Moscow đã giương cao quốc kỳ Nga tại căn cứ này.

Riêng ở quân cảng Sevastopol, lực lượng ủng hộ Nga còn tiến hành bắt giữ Tư lệnh hải quân Ukraina, ông Sergiy Gayduk sau khi xông vào trụ sở Bộ Tham mưu hải quân Ukraina và treo quốc kỳ của Nga.

Cũng hôm 19/3, Tòa án Hiến pháp Nga đã ra phán quyết khẳng định hiệp ước về tiếp nhận Cộng hòa tự trị Crưm vào thành phần Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể phù hợp với Hiến pháp của Nga.

Cùng ngày, Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraina (NSDC) đã mở phiên thảo luận tập trung vào các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia sau khi Nga có động thái giành quyền kiểm soát bán đảo Crưm.

Liên quan tới vụ nổ súng làm hai người thiệt mạng tại Simferopol, phía Nga đã gọi đây là một hành động khiêu khích, còn Ukraina gọi đó là tội ác chiến tranh. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ nổ súng này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina đã cho phép binh sỹ "sử dụng vũ khí", trong bối cảnh Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Nga chỉ thị binh sĩ nước này không được phép sử dụng vũ khí, "dù chỉ là ná".

Tin vắn

- Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/3 cáo buộc các nước phương Tây vi phạm cam kết tôn trọng chủ quyền và độc lập chính trị của Ukraina theo thỏa thuận đảm bảo an ninh ký năm 1994.

- Báo Guardian đưa tin ngày 19/3, Bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo Malaysia đang thu hẹp vùng tìm kiếm máy bay MH370 mất tích.

- Chính phủ Thái Lan ra lệnh chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và những vùng phụ cận, sau khi tình hình bạo động liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị giảm sút cường độ.

- Các điều tra viên xác định được, một số thông tin và dữ liệu trong mô hình bay thử tại nhà riêng của cơ trưởng Zaharie đã bị xóa một tháng trước khi chiếc máy bay MH370 mất tích.

- Đô đốc Viktor Chirkov, một lãnh đạo của lực lượng Hải quân Nga, ngày 19/3 đã tiết lộ rằng quốc gia này đang trong quá trình thiết kế lớp tàu ngầm phi hạt nhân mới thế hệ thứ năm.

- Khoảng 20 tàu chiến và tàu phụ trợ của hải quân Ukraina có thể trở thành một phần hạm đội Biển Đen sau khi Crưm sáp nhập vào Nga, một nhà lập pháp cấp cao của Nga cho hay.

- Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon sẽ có chuyến công du tới Moscow và Kiev, trong hai ngày 20 và 21/3, nhằm thảo luận tháo gỡ căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraina.

- Đức đã cực lực bác bỏ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin so sánh giữa động thái sáp nhập Crưm của Moscow, với sự thống nhất nước Đức được Liên Xô ủng hộ vào năm 1990.

- Không lực Israel vừa dội bom xuống các vị trí quân sự của Syria khiến 1 người chết, 7 người bị thương để trả đũa một vụ tấn công vào lực lượng của nước này ở cao nguyên Golan.

- Bộ Ngoại giao Syria ngày 19/3 cho rằng việc Mỹ quyết định đóng cửa sứ quán của nước này ở Washington và hai lãnh sự quán ở các thành phố khác là bất hợp pháp, chuyên quyền.

- Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố hội nghị của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) vào tuần tới, cần thảo luận về việc đình chỉ lâu dài tư cách thành viên G-8 của Nga.

- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ Giao thông Vận tải nước này, khởi động việc xây dựng hai cây cầu, bắc qua eo biển Kerch nối với bán đảo Crưm, theo Itar-Tass.

- Hãng tin Reuters ngày 19/3 đưa tin, Thủ tướng Crưm Sergei Aksyonov tuyên bố tất cả quan chức Ukraina do chính phủ nước này phái đến sẽ không được phép vào lãnh thổ Crưm.

Tin ảnh

{keywords}

Đã 12 ngày, chuyến bay MH370 vẫn mất tích bí ẩn. (Ảnh: News)

Phát ngôn

"Nhân dân là nền tảng cơ bản của tất cả các chính quyền", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong bức thông điệp đưa ra tối 18/3.

Sự kiện

Ngày 20/3/1956, Tunisia giành được độc lập từ tay Pháp. Cộng hòa Tunisia là một quốc gia nằm ở cực bắc của châu Phi.

Thanh Vân (tổng hợp)