Lầu Năm Góc thừa nhận các phi cơ chiến đấu Mỹ vẫn tiếp tục oanh tạc Libya mặc dù nước này đã chuyển sang vai trò hỗ trợ trong chiến dịch không kích của NATO.


> Toàn cảnh cuộc chiến Libya


Xe tăng của quân đội Libya bị bom NATO phá hủy ở Ajdabiya. (Ảnh: Reuters)

Đại tá Dave Lapan, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, giải thích  hôm 14/4 rằng các phi cơ chiến đấu Mỹ tấn công các cơ sở phòng không của chính quyền đại tá Muammar Gaddafi là để hỗ trợ thực thi vùng cấm bay vốn được áp đặt hồi tháng trước theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc. 

Các quan chức chính quyền Washington, trước đó, tuyên bố máy bay Mỹ đã ngừng xuất kích kể từ 4/4, vài ngày sau khi chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch không kích cho liên minh NATO, và rằng  máy bay của Anh, Pháp và các đồng minh khác sẽ đảm nhận nhiệm vụ tấn công xe tăng và các đơn vị bộ binh khác của Libya.

Tuy nhiên, vai trò giới hạn của Lầu Năm Góc lại gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua. 

Các lãnh đạo đối lập ở Libya và một số đồng minh NATO công khai than phiền về cường độ và quy mô chiến dịch không kích chống lực lượng Gaddafi kể từ khi Mỹ thông báo các máy bay của nước này sẽ ngừng tham gia vào sứ mệnh bảo vệ dân thường Libya.

Trong một bài phát biểu hồi tháng trước khi thông báo chuyển giao quyền chỉ huy cho NATO, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ giữ vai trò hỗ trợ, bao gồm tình báo, hỗ trợ hậu cần, tìm kiếm và tham gia cứu hộ, cùng khả năng phá sóng liên lạc của chính quyền Gaddafi.

Theo một quan chức quân sự cấp cao, có ba cuộc tấn công đã được thực hiện hồi tuần trước nhằm vào các cơ sở tên lửa đất đối không của Libya. Các chiến đấu cơ F-16 và máy bay EA-18G của Mỹ đã tham gia tấn công bằng các loại bom nặng 500 pound.  

Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản biện lại những ý kiến cho rằng các cuộc tấn công đó đi ngược lại tuyên bố của chính quyền Obama rằng Mỹ đã chuyển sang vai trò hỗ trợ trong chiến dịch. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Geoff Morrell gọi việc đánh bom ba cơ sở phòng không của Libya là hành động "phòng ngự" nhằm ngăn chặn phía Libya tấn công máy bay NATO. 

Trong số 134 nhiệm vụ nhằm giám sát các cơ sở phòng không của Libya kể từ khi NATO nhận quyền chỉ huy thì có tới 97 nhiệm vụ do máy bay Mỹ thực hiện. Kể từ ngày 1/4, Mỹ đã thực hiện 35% số chuyến bay xuất kích, 77% sứ mệnh tiếp nhiên liệu trên không và 27% số chuyến bay giám sát, đại tá Lapan cho hay.  

Thanh Hảo (Theo LA Times)