Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew vừa lên tiếng kêu gọi các nước khác góp sức giải cứu nền kinh tế Ukraina. 

TIN BÀI KHÁC

Ông Lew nói với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng "nhu cầu tài chính rất lớn" của Ukraina có nghĩa là các nước khác cần góp thêm vào khoản vay 1 tỷ USD.

Lời kêu gọi trên được đưa ra khi Thủ tướng tạm quyền Ukraina đề nghị chuyển giao thêm quyền lực cho các khu vực phía đông nước này, nơi những người ủng hộ Nga đang tập trung phản đối chính quyền Kiev.

{keywords}
Biểu tình vẫn tiếp diễn ở Ukraina nhưng kinh tế nước này đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp. 

Trong khi đó hôm 11/4, Washington thông báo vòng cấm vận thứ 3 nhằm vào những cá nhân có liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crưm. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố phong tỏa các tài sản ở Mỹ của một cựu quan chức Nga, một công ty năng lượng ở Crưm và 6 lãnh đạo khu vực này, trong đó có Chủ tịch Ủy ban bầu cử Crưm và thị trưởng thành phố Sevastopol.

Trong một thông điệp gửi tới IMF, Bộ trưởng Lew cho biết, Mỹ đang "thúc đẩy chương trình của IMF thông qua một gói viện trợ bổ sung, trong đó bao gồm một đảm bảo khoản vay 1 tỷ USD kèm thêm hỗ trợ kỹ thuật".

"Quan trọng là cộng đồng quốc tế, các ngân hàng phát triển đa phương và song phương, phải thực hiện các bước tức thì để ủng hộ chương trình IMF bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, do các nhu cầu tài chính rất lớn", ông nói thêm.

IMF đã thông báo một gói giải cứu trị giá khoảng 18 tỷ USD hồi tháng trước trong nỗ lực giúp đỡ nền kinh tế Ukraina và khoản này đã tăng lên 27 tỷ USD nhờ đóng góp của châu Âu và Mỹ. Đổi lại, IMF yêu cầu chính quyền Kiev phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Hiện Ukraina cũng đang chịu sức ép từ việc Nga quyết định ngừng cấp khí đốt trợ giá cho nước này. Khoản giảm giá này đã được nhất trí giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Ukraina trước kia, Viktor Yanukovych, trong đó Nga cũng tuyên bố mua lượng trái phiếu chính phủ Ukraina trị giá 15 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 11/4, Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniy Yatsenyuk đã đề nghị chuyển giao thêm quyền lực cho phía đông nước này và hiện ông đang có các cuộc đối thoại với lãnh đạo địa phương ở Donetsk, nơi phe hoạt động đòi quyền tự trị đã chiếm giữ một tòa nhà chính phủ.

Biểu tình đòi li khai ở nhiều thành phố miền đông Ukraina diễn ra sau khi Nga sáp nhập Crưm hồi tháng 3, sự kiện đẩy quan hệ Đông - Tây vào căng thẳng nghiêm trọng.

Chính phủ mới của Ukraina cho biết họ cần 35 tỷ USD để thanh toán các hóa đơn trong vòng 2 năm nữa. Ukraina không trả được nợ cho nhà cung cấp khí đốt Nga Gazprom mặc dù thời hạn chót bắt đầu phải giảm nợ đã trôi qua đầu tuần này.

Phía Gazprom tuyên bố Ukraina nợ hãng 2,2 tỷ USD. Cao ủy Năng lượng châu Âu Guenther Oettinger cho biết ông đang làm việc về một kế hoạch giúp Ukraina thanh toán các hóa đơn gas để đảm bảo nước này không nợ nần thêm nữa.

Cũng ngày 11/4, Tổng thống Putin trấn an EU rằng Nga sẽ không cắt các nguồn cung cấp khí đốt. Brussels cho biết họ sẽ đứng về các nhà chức trách mới ở Kiev nếu Kremlin thực hiện lời đe dọa khóa van gas sang Ukraina.

"Tôi muốn nhắc lại: Chúng tôi không có ý định và không có kế hoạch ngắt gas sang Ukraina", hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin khẳng định.

Trước kia, Nga từng ngừng cấp khí đốt sang Ukraina, vào các năm 2006 và 2009. Khi tranh cãi năm 2009 leo thang, các nguồn cung khí đốt tới châu Âu thông qua Ukraina bị tạm dừng suốt 2 tuần liền. 
Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ phải cân nhắc rất kỹ về việc lặp lại hành động này vì Nga phụ thuộc vào thu nhập từ các khách hàng châu Âu.

Hội đàm giữa Nga, Ukraina, Mỹ và EU - các cuộc đàm phán 4 bên đầu tiên kể từ khi khủng hoảng Ukraina bùng nổ - dự kiến sẽ diễn ra ngày 17/4 ở Geneva. 

Thanh Hảo