Tổng thống tạm quyền Ukraina Oleksander Turchynov đã ra tối hậu thư cho các
nhà hoạt động thân Nga ở miền đông, yêu cầu họ hạ vũ khí và sơ tán khỏi các tòa
nhà chính phủ vào thời hạn chót sáng ngày 14/4, nếu không chính phủ buộc phải
đưa quân đội vào.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Theo nhà báo David Stern của BBC thì dường như ông Turchynov không thể bỏ phí thời gian thêm nữa. Nhiều khu vực rộng lớn thuộc miền đông Ukraina đang vuột dần khỏi sự kiểm soát của Kiev. Và mỗi ngày lại có thêm các đồn cảnh sát và các tòa nhà chính phủ rơi vào tay người biểu tình và những người vũ trang không rõ danh tính.
Donetsk, Luhansk, Sloviansk, Kramatorsk, Druzhkivka - những thành phố, thị trấn mà người biểu tình đang chiếm giữ, với các thông tin cho biết họ đã tiếp quản các tòa nhà công quyền ở Mariupol và Yenakiyevo.
Chỉ huy an ninh quốc gia Ukraina Ihor Nalyvaichenko quả quyết: "Chúng tôi không còn thời gian nữa. Tối nay và ngày mai sẽ mang tính quyết định".
Tuy nhiên, theo chính phủ Ukraina, làn sóng nổi dậy này không xuất phát từ trong nước. Tổng thống Turchynov lặp lại các cáo buộc được giới chức phương Tây cổ xúy, đó là Nga đứng sau sự hỗn loạn này. Nhiều tay súng mang vũ khí Nga và trông giống các lực lượng của Kremlin ở Crưm.
Giới chức tạm quyền của Ukraina cũng đã đặt ra một ranh giới đỏ. Họ tuyên bố sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu Nga tiến vào nước này. Và giờ đây họ nói rằng ranh giới đó đã bị vượt qua.
Tuy nhiên, phía Nga cũng vạch ra một lằn ranh riêng. Các nhà chức trách nước này tuyên bố Kiev cần phải kiềm chế bạo lực nhằm vào người biểu tình, nếu không thì sẽ có nguy cơ "khuấy động một cuộc nội chiến". Moscow cũng khẳng định "không có ý định" đưa quân vào Ukraina.
Mặc dù vậy, luật pháp Nga cho phép Tổng thống Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Ukraina nếu các lợi ích của Moscow bị đe dọa. Những lợi ích đó, theo ông Putin, bao gồm số dân nói tiếng Nga ở Ukraina.
Tuy nhiên, một chiến dịch trấn áp bằng vũ lực nhằm vào người biểu tình ở miền đông không chỉ mang lại mối đe dọa từ bên ngoài mà nó còn ẩn chứa nhiều nguy cơ bên trong.
Nếu những gì Kiev, Washington và Brussels nói là đúng - rằng các nhà tổ chức và lực lượng đặc nhiệm Nga trà trộn vào giới hoạt động thì rõ ràng vẫn có một số người địa phương ở đó. Nó gợi nhớ rằng chính phủ ở Kiev đã tự tiến đến quyền lực nhờ làn sóng oán giận trước cái chết của những người Ukraina thời kỳ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych còn đương chức.
Những người ở miền đông Ukraina đều là công dân nước này. Nhiều người bày tỏ rằng họ không muốn chứng kiến đất nước bị chia rẽ. Và đến lúc này, vẫn có một làn sóng dâng trào của lòng yêu nước và đoàn kết, trước mối đe dọa mà họ cảm nhận được từ Nga.
Nhưng không ít người vẫn hoài nghi về chính phủ tạm quyền ở Kiev. Họ tin rằng nó được hình thành bởi những nhân vật đến từ miền trung và tây không có nhu cầu và lo lắng từ tận đáy lòng.
Một số khác tỏ ra trung lập. Họ chờ đợi xem những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới đây. Nếu có máu đổ thì có thể họ sẽ quay lưng lại với Kiev.
"Tất cả mọi người ở đây đều phản đối chính phủ - thậm chí cả những người từng tới Thủ đô để biểu tình", Yulia, một phóng viên ở Soviansk, mô tả. "Họ đã trở về từ nơi đó, và họ đã thấy một nhóm đầu sỏ chính trị lại làm thống đốc - cũng chính là những người họ đã chống lại".
"Họ có thể không hoàn toàn muốn chiếm giữ đồn cảnh sát, nhưng người dân ở đây
đang tức giận", Yulia nói thêm.
Thanh Hảo