Ngay khi các nhà điều tra máy bay Malaysia mất tích quyết định chuyển từ việc lắng nghe tín hiệu ping từ đáy Ấn Độ Dương sang rà soát địa hình khu vực, họ sẽ phải cần đến một loạt dụng cụ mới.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}

Trong số đó sẽ có Bluefin-21, một máy dò được trang bị hệ thống sonar tầm quét rộng -loại công nghệ âm học tạo hình ảnh nhờ sự dội lại của âm thanh thay vì ánh sáng.

"Đó là một loại thiết bị giúp định vị nơi có thể có xác máy bay", hãng tin CNN dẫn lời Sylvia Earle, một nhà hải dương học của National Geographic.

Các nhà điều tra đã thu hẹp được phạm vi tìm kiếm nhờ 4 xung tín hiệu dò được trong những ngày qua song họ vẫn đối mặt với một nhiệm vụ rất phức tạp. "Có rất nhiều địa hình cần phải rà soát", Sylvia Earle cho biết.

Bluefin-21 di chuyển khá chậm nhưng nó lại tạo được hình ảnh tốt, đến mức mà "gần như giống hệt những gì ở dưới đó... nhưng lại là hình ảnh nhờ âm thanh chứ không phải một máy quay", bà nói thêm.

Ngay khi nơi có mảnh vỡ được tìm thấy thì một số thiết bị khác, chẳng hạn như các phương tiện được điều khiển từ xa (ROV), sẽ được đưa vào để tìm kiếm hộp đen.

Theo bà Earle, các ROV khi hoạt động ở độ sâu khoảng 4,8km sẽ cần nguồn điện được truyền xuống bằng một dây cáp từ tàu mẹ. Và không có nhiều thiết bị trên thế giới có khả năng làm được điều đó.

"Hiện nay chỉ vài quốc gia có tàu ngầm người lái có thể lặn xuống độ sâu như vậy", nhà hải dương học của National Geographic nhấn mạnh, nêu ra các nước gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc.

"Sự hiện diện của con người ở đó có thể tạo nên một sự khác biệt lớn. Nó có thể mang lại cho bạn một lợi thế thực sự để hiểu rõ dưới đó như thế nào".

Sự khan hiếm các nguồn lực "cho thấy chúng ta chuẩn bị yếu kém như thế nào cho việc hoạt động dưới lòng biển sâu", bà Earle bình luận. "Chúng ta đã đầu tư vào hàng không và không gian vũ trụ, nhưng chúng ta quên mất đại dương".

Thời điểm chuyển đổi từ việc nghe tín hiệu ping sang tìm kiếm các mảnh vỡ đang được tiến hành nhanh chóng, theo Alan Diehl - một nhà điều tra tai nạn kỳ cựu của Không lực Mỹ. "Chúng ta đang ở đỉnh điểm, nơi chúng ta cần chuyển từ lắng nghe thụ động sang (tìm kiếm) chủ động bằng Bluefin".

Đến nay đã hơn 1 tháng kể từ khi chiếc Boeing của hãng Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 chở 239 người mất tích trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh ngày 8/3.

"Tôi ngạc nhiên là chúng (pin của các hộp đen) lại tồn tại lâu đến như vậy", Mary Schiavo - cựu điều tra viên cấp cao của Bộ Vận tải Mỹ, nhận xét.

Việc lực lượng tìm kiếm đến nay vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào liên quan đến MH370 cũng gây nhạc nhiên cho David Soucie, chuyên gia phân tích hàng không của hãng CNN. Theo ông, mô hình được sử dụng để dò tìm mảnh vỡ có thể không chính xác.

David Soucie nhắc lại vụ tìm kiếm máy bay Flight 447 của Air France năm 2009 ở nam Đại Tây Dương. "Họ mất nhiều tuần tìm kiếm mảnh vỡ máy bay ở sai khu vực", ông nói.

Không có mảnh vỡ cũng có thể có nghĩa là máy bay không vỡ ra từng mảnh khi chịu tác động, mà nó đã chìm nguyên vẹn xuống lòng biển.

Trong trường hợp đó, nỗ lực tìm kiếm hộp ghi dữ liệu chuyến bay càng phức tạp, vì chúng được gắn bên trong đuôi máy bay. Các nhà điều tra sẽ phải tháo dỡ phần đuôi ra để lấy các thiết bị này và tìm hiểu những bí mật mà chúng đang nắm giữ.

Thanh Hảo