Một cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của Quốc hội Australia năm 2011 có thể đã mở đường cho các cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận các thư điện tử riêng của các nghị sĩ suốt một năm, tờ Australian Financial Review hôm 28/4 đưa tin.
Trích nguồn tin chính phủ và an ninh, báo trên cho biết, thông tin mới trên cho thấy cuộc tấn công có quy mô lớn hơn những gì phán đoán ban đầu và nó cho phép "kiểm soát toàn bộ hệ thống".
"Nó giống như một vết thương hở. Họ có thể truy cập tất cả mọi thứ", một nguồn tin nói với báo.
Các quan chức Australia, cũng như những người ở Mỹ và các nước phương Tây khác, luôn coi an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu sau khi phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng tăng.
Hệ thống máy tính Quốc hội Australia là một hệ thống nội bộ, không bí mật, được các nghị sĩ liên bang, nhân viên của họ và các cố vấn sử dụng để trao đổi riêng và thảo luận các chiến lược.
Một khi đã xâm nhập vào hệ thống, tin tặc có thể tiếp cận các thư điện tử, dữ liệu liên lạc và bất cứ tài liệu nào được cất trên hệ thống.
Việc tiếp cận hệ thống sẽ cho phép Trung Quốc hiểu kỹ càng về các mối liên hệ chính trị, xã hội và nghề nghiệp của giới lãnh đạo Australia và có thể bao gồm các cuộc thảo luận nhạy cảm giữa các nghị sĩ và nhân viên.
Truyền thông Australia ban đầu đưa tin về vụ mạng lưới bị chọc thủng vào năm 2011 dù vào thời điểm đó nước này tin rằng các điệp viên Trung Quốc chỉ tiếp cận được hệ thống máy tính được một tháng.
Năm ngoái, hãng ABC đưa tin, các tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp kế hoạch chi tiết về tòa nhà trụ sở chính của cơ quan tình báo Australia trị giá hàng triệu đô la cũng như các thông tin mật về Bộ ngoại giao và Thương mại.
Chính phủ của Thủ tướng Tony Abbot đã tán thành lệnh cấm công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia đấu giá Mạng lưới băng thông rộng quốc gia trị giá 38 tỷ USD của nước này vào năm ngoái do lo ngại về an ninh mạng.
- Hoài Linh