Áo qua mặt châu Âu để hợp tác với Nga về năng lượng, 2700 người bị chôn sống ở Afghanistan vì lở đất và hàng loạt vụ thiệt mạng vì tai nạn… là những tin nóng ngày qua.

Tin nổi bật

Trong khi các quan chức ở Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp đòi đe doạ trừng phạt và kêu gọi bớt phụ thuộc vào nguồn khí đốt cũng như đàm phán với Nga với tư cách là một khối, Áo đã lặng lẽ hợp tác riêng với Moscow về một thoả thuận đường ống khí đốt.

{keywords}

Thoả thuận liên quan tới đường ống dẫn khí mang tên ‘Dòng chảy phương Nam’. Theo đó, đường ống này sẽ được xây dựng dưới lòng biển Đen tới Bulgaria và trung Âu.

Reuters cho rằng thoả thuận này là một trở ngại của EU trong việc tạo nên một chính sách năng lượng thống nhất với Moscow trong bối cảnh khủng hoảng tại Ukraina.

Trong khi các quan chức EU hối thúc châu Âu bớt lệ thuộc vào khí đốt của Nga, các công ty tư nhân và nhà nước đang tìm cách thúc đẩy các dự án để mua năng lượng của Moscow - thậm chí còn nhiều hơn trước.

Hãng năng lượng OMV của Áo tuần trước đã nhất trí với hãng Gazprom của Nga đưa ‘Dòng chảy phương Nam’ tới trung tâm khí đốt Baumgarten của Áo.

Thoả thuận này còn làm hài lòng các khách hàng Đức vì khí đốt sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn.

Thực tế này cho thấy về vấn đề ngoại giao khí đốt, các quốc gia châu Âu vẫn có các lợi ích cạnh tranh với nhau, và gây trở ngại cho việc thống nhất dưới lá cờ EU.

Thời điểm tiến hành thoả thuận này - trùng với lúc châu Âu tuyên bố các trừng phạt mới nhằm vào Nga để gây sức ép buộc Moscow phải ngưng hỗ trợ các thành phần ly khai ở đông Ukraina – cho thấy sự bất đồng hơn bao giờ hết đối với chính sách của EU.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã đe doạ Moscow rằng Mỹ sẽ cùng châu Âu và cộng đồng quốc tế thành lập một mặt trận chống lại Nga nếu Kremlin không xuống thang tại Ukraina.

Tuy nhiên, các quan chức Nga cho biết phương Tây chỉ bất lợi nếu trừng phạt nặng vào kinh tế Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí.

Tin vắn

Báo Đức đưa tin hàng chục đặc vụ của Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện đang có mặt tại Ukraina.

Liên quan tới vụ máy bay Malaysia MH370 mất tích, báo Anh cho hay có 11 nghi phạm liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã bị bắt và thẩm vấn, nhưng những người này khai không đứng đằng sau vụ việc của MH370.

Một tay súng đã nã đạn vào một gia đình có 6 người đang ăn tối tại bang Arkansas của Mỹ, khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương.

Số người thiệt mạng và mất tích trong vụ lở đất tại Afghanistan hôm 2/5 đã lên tới hơn 2700 người.

Ấn Độ và Pakistan đã đấu súng tại ranh giới kiểm soát ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào đêm 3/5, giờ địa phương.

Quyền Thủ tướng Ukraina Aserniy Yatsenyuk đã đến thăm thành phố Odessa hai ngày sau khi một vụ đụng độ dẫn tới hoả hoạn làm 42 người thiệt mạng tại đây.

Cảnh sát hoàng gia Malaysia tuyên bố giữ kín thông tin điều tra về máy bay mất tích MH370 vào thời điểm này. Thông tin về khoản bồi thường cho các gia đình nạn nhân cũng được yêu cầu giữ kín.

Một cây cầu xây dựng trái phép tại miền nam Trung Quốc bị sập khiến 11 người thiệt mạng.

Một vụ trật bánh đường ray xe lửa tại Ấn Độ khiến 9 người thiệt mạng và 30 người bị thương.

Bạo lực tại Iraq đã khiế 30 người thiệt mạng chỉ trong vòng 24 giờ.

Ảnh trong ngày

{keywords}

Người dân ở thành phố Odessa, Ukraina biểu tình tại trụ sở cảnh sát, yêu cầu thả những nhà hoạt động chống chính phủ. Ảnh: RT

Phát ngôn ấn tượng

Cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Ron Paul đã kêu gọi Mỹ không can dự vào cuộc khủng hoảng Ukraina, nói rằng các cường quốc phương Tây đã khuấy đảo tình hình bất ổn tại đây và còn tiếp tục khuyến khích căng thẳng gia tăng.

{keywords}

“Sự thật là vụ việc vài tuần trước nhằm lật đổ lãnh đạo được bầu nên là (Tổng thống) Viktor Yanukovich do cùng một nhóm dấy lên là: NATO, Liên minh châu Âu, Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế…. Cuộc đấu đá hiện nay giống như một sự leo thang nghiêm trọng có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát, thậm chí ngay cả khi việc không leo thang như vậy có lợi cho tất cả các bên – cả Nga lẫn phương Tây. Có quá nhiều đe doạ và doạ dẫm về các lệnh trừng phạt và thiệt hại về kinh tế có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát”.

“Điều khôi hài là Quỹ Tiền tệ quốc tế dường như cũng không tìm cách giúp đỡ người dân Ukraina theo lẽ thường bởi vì để có được khoản vay 17 tỉ USD, người Ukraina không chỉ phải chiến đấu và kiểm soát miền đông, họ còn phải tăng thuế và tăng giá dầu – trong khi điều này chẳng có lợi gì cho người dân cả. Nhìn chung điều này vẫn xảy ra khi các lệnh trừng phạt áp lên một quốc gia hoặc là khi chiến sự bùng nổ: người dân chịu thiệt và các lợi ích đặc biệt là được lợi”.

Sự kiện

5/5/1260 – Dưới sự ủng hộ của một bộ tộc tông vương và đại thần, Hốt Tất Liệt tự lập làm hoàng đế của Mông Cổ.

5/5/1949 – Hiệp ước London thành lập Uỷ hội châu Âu – thể chế đầu tiên hoạt động nhằm nhất thể hoá châu Âu.

5/5/1955 – Hiệp định Paris về chấm dứt chiếm đóng có hiệu lực, Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) giành chủ quyền hoàn toàn.

Lê Thu (tổng hợp)