Mặc dù hoan nghênh lời kêu gọi có vẻ 'thiện ý' của Nga hoãn cuộc trưng cầu dân ý ở miền đông Ukraina, nhưng Kiev và phương Tây lại chưa coi việc ngừng hoạt động quân sự ở đây như là điều kiện tiên quyết để đối thoại và bầu cử Tổng thống.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Từ trái qua: Tổng thống Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Tổ chức An ninh và Phát triển châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo. Ảnh: RT |
Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng rằng cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina vào ngày 25/5 tới đây là một ‘bước đi đúng hướng’, đồng thời kêu gọi Kiev và các đại diện ở miền đông nam Ukraina nên đối thoại trực tiếp. Để tiến hành cuộc đối thoại này, ông Putin cho rằng phe nổi dậy nên hoãn trưng cầu dân ý.
Tổng thống Nga cũng nói thêm là Nga không chịu trách nhiệm cho một cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Ukraina, và cho biết thêm là Moscow đã lệnh rút quân đội khỏi biên giới Ukraina.
RT cho hay đáp trả động thái đột ngột chuyển hướng theo chiều hướng 'nhượng bộ' của ông Putin, ứng cử viên Tổng thống đầy tiềm năng của Ukraina là Pyotr Poroshenko (Đảng UDAR) nói rằng ‘đây là một tin quan trọng để ổn định lại tình hình ở miền đông Ukraina’.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy coi tuyên bố mới đây của ông Putin ‘biểu thị sự sẵn sàng xuống thang tình hình, bao gồm cả việc kêu gọi hoãn trưng cầu dân ý ở miền đông Ukraina và tuyên bố rút quân khỏi biên giới Ukraina’.
Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố rằng những gì Putin tuyên bố là chưa đủ, Nga cần nỗ lực hơn nữa để giảm căng thẳng ở Ukraina.
Bộ Ngoại giao Ukraina tuyên bố rằng Moscow vẫn ngầm ‘hậu thuẫn cho các hành động khủng bố chống lại công dân Ukraina’ đằng sau ‘động thái trông có vẻ như là thiện ý’ này.
“Một cuộc đối thoại quy mô toàn quốc … chắc chắn là ưu tiên của Chính quyền Ukraina. Tuy nhiên, đối thoại với những kẻ khủng bố là không thể chấp nhận và tưởng tượng được” – Bộ Ngoại giao Ukraina tuyên bố.
Tổng thống Thụy Sĩ, hiện giữ chức Chủ tịch OSCE nói rằng tổ chức này sẵn sàng nhận trách nhiệm phối hợp với ‘lộ trình’ cùng với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng và đàm phán với Mỹ và Liên minh châu Âu cũng sớm được tiến hành.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraina lên tiếng rằng thảo luận về việc dàn xếp hòa bình ở Ukraina mà ‘không có Ukraina’ là ‘vô nghĩa và không chấp nhận được’.
Các đại diện ở miền đông nam Ukraina cũng lên tiếng rằng họ đã sẵn sàng đàm phán với Kiev và hôm nay sẽ thảo luận về khả năng hoãn trưng cầu dân ý vào ngày 11/5.
Tuy nhiên, hiện Kiev và Mỹ chưa bày tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp nhận ‘lộ trình’ mà ông Putin và OSCE đề xuất để giải tỏa căng thẳng tại Ukraina.
Lê Thu