Khủng hoảng ở Ukraina đang bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, khi tất cả các bên liên quan cần phải xác định mức độ rủi ro mà họ phải đón nhận trong nỗ lực đảm bảo kế hoạch của mình cho tương lai nước này thắng thế.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Theo sau một sự khởi đầu đầy sóng gió, chính phủ ở Kiev cuối cùng đã bắt tay vào phục hồi trật tự ở các thành phố miền đông, nơi những người li khai thân Nga đang vây chiếm nhiều tòa nhà công quyền.

Thay vì giải tán và trao nộp vũ khí cho quân chính phủ, những người chống Kiev vẫn tiếp tục gia cố các hàng rào chướng ngại vật và chống cự ác liệt. Cả hai bên đều chịu thiệt hại và thương vong. Phía quân đội Ukraina thậm chí còn bị mất trực thăng vì bị tên lửa đất đối không bắn hạ - một dấu hiệu cho thấy quân li khai ở miền đông Ukraina được trang bị vũ khí tốt.

{keywords}
Những người li khai thân Nga ở đông Ukraina tiếp tục gia cố hàng rào chướng ngại xung quanh các tòa nhà họ vây chiếm. (Ảnh: AP)

Trên mặt trận chính trị, chính phủ tạm quyền Ukraina khẳng định, bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý hay bỏ phiếu nào do địa phương tổ chức ở các vùng miền đông nước này, đều là trái luật. Kiev đang hướng tới một cuộc bầu cử tổng thống trên toàn quốc vào ngày 25/5.

Về phía Nga, mục tiêu của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraina không thay đổi. Moscow khẳng định họ chỉ đơn thuần hành động để bảo vệ những người nói tiếng Nga. Thế nhưng giới chức phương Tây lại cho rằng Kremlin có ý đồ phá hỏng bất kỳ cơ hội nào của Ukraina nhằm tổ chức bầu cử tổng thống thành công trên toàn quốc và mục tiêu dài hơi hơn là làm xói mòn và suy yếu chính quyền Kiev.

Mặc dù vậy, trên thực tế, cán cân lợi thế có thể đang thay đổi. Dù nhiều tòa nhà công quyền và hàng rào chướng ngại vật ở miền đông vẫn nằm trong tay những người li khai thân Nga, năng lực của Kiev trong việc thực hiện một chiến dịch an ninh hiệu quả đang khiến Moscow lo ngại.

Trong một khoảng thời gian, chính quyền Kiev đã chịu nhiều áp lực và tinh thần tự nguyện chiến đấu của binh lính là rất đáng lo. Nhưng điều này dường như đã thay đổi. Kiev đã tiến gần hơn tới điểm mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phải quyết định liệu có hay không sử dụng sức mạnh quân sự một cách công khai.

Đó là lý do tại sao giai đoạn hiện nay lại nguy hiểm đến như vậy.

Kiev đang cố gắng định hướng các chiến dịch quân sự làm sao tránh được việc khiến Nga ra tay. Đây cũng là một phương sách đúng cả về sự khéo léo lẫn may mắn. Hành động vụng về gây thương vong lớn cho dân thường có thể sẽ làm thay đổi tính toán của Kremlin.

Nguy cơ một vụ việc diễn ra không như dự định trên thực địa làm thay đổi giới hạn xung đột đang hiện hữu. Hỏa hoạn ở Odessa cướp đi hơn 40 mạng người là một ví dụ rõ rệt về kiểu leo thang này.

Trong khi đó, thế giới bên ngoài đang hướng về Ukraina với nỗi lo ngại ngày càng lớn về một khung cảnh chính trị mà ở mức độ địa phương đang ngày càng giống cảnh tượng của các cuộc xung đột ở Bosnia hoặc Kosovo.

Phương Tây đã nhất trí ủng hộ chính phủ Kiev và sự lên án vai trò của Nga trong lòng Ukraina ngày càng gay gắt hơn. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thậm chí còn đi xa tới mức mô tả Nga là ngày nay là một kẻ thù chứ không phải đối tác.

Tuy nhiên, đến giờ này, phương Tây vẫn nói nhiều hơn hành động. Rõ ràng đang có một hy vọng rằng các lệnh cấm vận mạnh tay sẽ khiến Tổng thống Putin phải chú ý. Nhưng đó có thể chỉ là một ảo tưởng.

Những gì thực sự khiến ông Putin quan tâm là khả năng kháng cự của Kiev. Các chiến dịch an ninh của Ukraina hiện mới đạt được tiến bộ rất khiêm tốn. Khó khăn ở phía trước còn rất nhiều.

Thanh Hảo