Đầu tháng này, Nga tuyên bố có thể ngừng bán các động cơ tên lửa đẩy cho Mỹ, nếu như các động cơ này sử dụng cho mục đích quân sự.
Tên lửa RS-20 của Nga. Ảnh: RIA |
Tờ The Daily Beast của Mỹ cho hay một số thành viên Quốc hội Mỹ cũng đang tìm cách đáp trả động thái của Nga. Việc sửa đổi bộ luật ngân sách hàng năm của Lầu Năm Góc dự kiến thông qua vào tuần này.
Luật này chỉ dẫn việc Tổng thống Barack Obama bắt đầu các cuộc đối thoại với chính quyền Ukraina, nhằm chấm dứt việc hợp tác lâu dài giữa Kiev và Moscow nhằm bảo dưỡng các Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Các tên lửa ICBM này của Nga là loại RS-20, hay theo cách gọi của NATO là Satan.
Nghị sĩ Mike Rogers - Chủ tịch phân ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện, nơi giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ - đã đệ trình việc sửa đổi, tập trung vào Văn phòng Thiết kế Yuzhnoye của Ukraina.
Trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, văn phòng này đã thiết kế và duy tu các tên lửa RS-20, cũng như rất nhiều vũ khí khác. Theo một nhóm cố vấn Ukraina, trong khoảng trên 600 tên lửa đang chất trong kho của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga thì chỉ có 40 quả tên lửa là thật sự sản xuất ở Nga.
Hiện tại, chính quyền Ukraina vẫn tiếp tục đóng vai trò duy tu số tên lửa này.
Hôm 26/2, tờ Nezavismaya Gazeta của Nga dẫn lời cựu Tham mưu trưởng của lực lượng tên lửa chiến lược Nga là Viktor Yesin cho hay, Nga và Ukraina vẫn còn thỏa thuận duy tu tên lửa. Ông Yesin nói rằng 'các quan hệ kinh tế này rất giá trị, bất kể ai lên cầm quyền ở Ukraina' và ông 'không nghĩ rằng thỏa thuận liên chính phủ này sẽ bị hủy bỏ'.
Nay, nghị sĩ Mỹ muốn bản thỏa thuận này sẽ bị thu hồi lại, một phần lý do là vì Nga đã sáp nhập Crưm, vi phạm các điều khoản của 'Biên bản ghi nhớ Budapest' mà theo đó, lãnh thổ Ukraina được đảm bảo toàn vẹn sau Chiến tranh Lạnh. Đổi lại, Kiev phải từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Ông Roger hối thúc chính quyền Obama bắt đầu đàm phán với Ukraina, nhằm dừng 'mọi hoạt động của Văn phòng Thiết kế Yuzhnoye và bất kỳ ngành công nghiệp nào khác của Ukraina đang hỗ trợ cho quân đội, hoặc cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga'.
Nếu điều này xảy ra, cựu Tham mưu trưởng Yesin nói rằng Nga vẫn có khả năng duy trì việc bảo dưỡng tên lửa RS-20, dù có 'rất nhiều khó khăn', một phần là vì các kế hoạch chi tiết và đặc thù của tên lửa lại nằm ở phía Văn phòng Thiết kế Yuzhynoye.
Lê Thu