Nhật Bản, Trung Quốc vướng vào căng thẳng mới xung quanh vấn đề lịch sử; Nga bắt đầu tập trận quân sự ở khu vực biển Baltic... là các tin nóng.

Nổi bật

Theo Kyodo, Trung Quốc hôm 10/6 cho biết đã kiến nghị UNESCO đưa các tài liệu liên quan đến những hành động của quân đội Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2 vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" của UNESCO.

Trung Quốc "đã đệ trình các tài liệu lịch sử quý giá liên quan tới thảm sát Nam Kinh và những phụ nữ mua vui" lên UNESCO, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết ở một cuộc họp báo.

{keywords}
Bên ngoài nhà tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Hãng tin Yonhap dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đệ trình các tài liệu này để đưa vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" của UNESCO nhằm "ngăn chặn tái diễn các tội ác chống loài người".

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ "những tài liệu đã được Trung Quốc đệ trình xứng đáng được đưa vào danh sách, bởi lẽ chúng có giá trị lịch sử quan trọng", hãng thông tấn Hàn Quốc cho biết thêm.

Theo Kyodo, kiến nghị được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Hàn Quốc đang cân nhắc có động thái tương tự về việc "phụ nữ mua vui", những người bị ép phục vụ trong nhà thổ của quân đội Nhật hồi Thế chiến 2.

Phản ứng trước động thái này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố, Nhật Bản sẽ "trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút đơn, nếu chúng tôi phát hiện có ý đồ chính trị sau vụ này".

Mối quan hệ giữa hai quốc gia hàng đầu ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản vốn dĩ đã trở nên căng thẳng, xuất phát từ tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.

Tin vắn

- Trung Quốc cảnh báo Hồng Kông không vượt quá giới hạn tự do và phải tuân thủ pháp luật trước khi một cuộc biểu tình ủng hộ nền dân chủ có thể sắp diễn ra.

- Các quan chức Malaysia, Australia đã nhóm họp ở Canberra, thảo luận về việc tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

- Hội đàm với người đồng cấp Phần Lan, Ngoại trưởng Nga kêu gọi không gắn khủng hoảng Ukraina vào các vấn đề quan hệ song phương, đa phương với Nga.

- Hàn Quốc mở phiên tòa xử thuyền trưởng cùng 14 thủy thủ trong vụ chìm phà Sewol 2 tháng trước khiến 292 hành khách thiệt mạng, 12 người vẫn còn mất tích.

- Theo tổ chức phân tích kinh tế IHS, nạn trộm cắp và đình công là các đe dọa lớn nhất đối với các thành phố đăng cai vòng chung kết World Cup 2014 ở Brazil.

- Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 10/6 đã tuyên bố rằng, quốc gia này sẽ nỗ lực hết sức nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với nhóm P5+1.

- Nga đã bắt đầu tập trận quân sự ở khu vực biển Baltic như một lời đáp với các cuộc tập trận của NATO đang diễn ra trên lãnh thổ 3 nước cũng ở khu vực này.

- Kể từ đầu năm tới nay Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã tiêu diệt 130 phần tử khủng bố, trong đó bao gồm 21 tên thủ lĩnh và ngăn 6 cuộc tấn công khủng bố.

- Hôm 10/6 lại xảy ra một vụ tấn công nhằm vào một học viện huấn luyện của lực lượng an ninh sân bay, ngay gần sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi của Pakistan.

- Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã ra lệnh mở các hành lang nhân đạo, để người dân có thể sơ tán khỏi các khu vực miền đông đang chìm trong bạo lực.

- Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bổ nhiệm cựu nhà báo Moon Chang-keuk, một chính khách chưa được nhiều người biết, giữ chức Thủ tướng nước này.

Phát ngôn

"Chúng tôi rời khỏi Nhà Trắng không chỉ trong cảnh cháy túi mà còn đang nợ nần", cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton nói hôm 9/6.

Tin ảnh

{keywords}
Hàn Quốc bắt đầu xử thuyền trưởng và thủy thủ đoàn chiếc phà Sewol bị chìm hồi tháng 4. (Ảnh: AP)

Kỷ niệm

Ngày 11/6/2007, một trận lở đất khủng khiếp đã xảy ra tại Chittagong, phía đông nam Bangladesh, làm khoảng 130 người thiệt mạng.

Thanh Vân