Một loạt nghị sĩ Thái thất nghiệp sau khi quân đội tiến hành đảo chính đã kể một số cách làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa, Nation đưa tin.

{keywords}

Cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai là Leelawadee Watcharobol cho biết, trong thời gian đảo chính, cuộc sống của bà nhìn chung vẫn vậy song phải giới hạn một số hoạt động, ví dụ đi thăm mọi người trong khu vực, đề phòng có ai đó nghĩ sai về ý định của bà. Để tiếp tục các dự án phát triển, bà Leelawadee phải phái các trợ lý đi làm thay.

"Trong tình hình đó, đảng không tiến hành họp và hầu hết các nghị sĩ đều bỏ mọi hoạt động vì công tác chính trị có thể bị hiểu sai trong một môi trường bất bình thường".

Cựu đảng viên Chart Thai là nghị sĩ Paradon Prissananantagul nói, cuộc đảo chính không làm thay đổi cuộc sống thường nhật của ông. Dân làng vẫn gửi giấy mời ông dự các lễ kỷ niệm. "Chỉ có duy nhất một thay đổi lớn nhất là tôi không có lương song đó không phải là vấn đề vì tôi đang dùng tiền của mẹ tôi", ông Paradon cười.

Sunisa Lertpakawat, cựu phó phát ngôn viên chính phủ cho biết, sau khi đảo chính xảy ra, cuộc sống thường nhật của bà là xem tivi, đọc báo vì bà muốn theo dõi mọi động thái của Hội đồng quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO) và xem cách họ quản lý đất nước như thế nào.

Khác biệt lớn nhất hiện giờ với cựu phó phát ngôn viên đảng Pheu Thai đó là, không có cuộc họp nào ở trụ sở chính của đảng và không có tuyên bố nào của đảng được ban hành. Trong khi đó, bà Sunisa nghĩ rằng tình cảnh mới sẽ tạo nên một gương mặt mới cho chính trị địa phương và phong cách cũ sẽ bị mất đi sau bước tiến mới này.

Một nhân vật chính trị khác hiện quay sang các hoạt động phi chính trị là Kokaew Pikulthong, một trong các lãnh đạo phong trào áo đỏ, người tình nguyện hiến máu cho Hội chữ thập đỏ Thái. Viết trên Facebook, chính trị gia này cho biết, ông có thời gian rảnh để làm bất cứ thứ gì mình muốn nhằm sống chậm lại, gồm cả hiến máu".

Cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai Jarupan Kuldiloke cho biết, như một phần để tiếp tục hoạt động chính trị, bà hiện làm phó chủ tịch ban phụ nữ Hội nghị quốc tế các đảng phái chính trị châu Á. Trong tương lai, bà có thể quay lại trường đại học Mahidol để giảng dạy.

Một cựu nghị sĩ Pheu Thai, đề nghị giấu tên, cho biết, đảng này không tổ chức các cuộc họp trong một thời gian và các thành viên chủ chốt cảm thấy không chắc chăn và phải giới hạn các hoạt động chính trị. Những nghị sĩ này trước đó đã quả quyết rằng bầu cử là câu trả lời duy nhất để đưa quyền lực lại đúng người và họ sẽ chờ xem hiến pháp mới là như thế nào.

Cựu nghị sĩ này cho rằng các vấn đề chính trị của Thái sẽ chấm dứt nhưng cuộc nổi dậy của tầng lớp nông dân sẽ vẫn tái diễn sau bầu cử mới.

  • Hoài Linh